Kiệt tác hội họa vẽ bằng xác ướp tán bột
Danh họa Eugene Delacroix có thể dùng bột nghiền từ xác ướp để vẽ nên bức tranh "Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân" biểu tượng cho cuộc cách mạng năm 1830 ở Pháp.
Bức tranh "Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân" nổi tiếng của danh họa Eugene Delacroix treo tại Bảo tàng Lourve ở Paris, Pháp, có thể được vẽ vào năm 1830 bằng màu sơn tán từ xác ướp nghiền nhỏ, theo National Geographic.
Bức tranh "Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân" của Eugene Delacroix. (Ảnh: National Geographic).
Từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 20, bột màu làm từ xác ướp của người Ai Cập rất phổ biến trên bảng vẽ của các họa sĩ châu Âu, bao gồm Delacroix. Nhiều họa sĩ đánh giá cao bột vẽ màu nâu có nguồn gốc xác ướp bởi khả năng lên màu đậm và không lẫn tạp chất của nó.
Việc sử dụng xác ướp làm màu vẽ nhiều khả năng bắt nguồn từ cách ứng dụng xác ướp trong điều trị bệnh. Từ đầu thời Trung cổ, người châu Âu uống và đắp bột làm bằng xác ướp nghiền nhỏ để chữa mọi loại bệnh từ động kinh đến đau dạ dày. Cách trị bệnh này có thể xuất phát từ quan niệm sai lầm cho rằng trong xác ướp chứa nhựa đường có công dụng y học hoặc niềm tin xác ướp chứa đựng sức mạnh siêu nhiên.
Vào thế kỷ 18, nhiều du khách châu Âu tới Ai Cập và mua cả bộ xác ướp mang về nhà để trưng bày trong phòng khách, và những bữa tiệc mở vải liệm xác ướp trở nên phổ biến vào thời kỳ đó.
Từ một vị thuốc được bán phổ biến trong các nhà thuốc ở khắp châu Âu, bột nghiền từ xác ướp dần trở thành loại bột vẽ màu nâu ưa thích của các họa sĩ. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 20, số xác ướp Ai Cập có thể được dùng để sản xuất màu vẽ trở nên kham hiếm, và giá cả tăng cao khiến việc sử dụng loại màu vẽ đặc biệt này chấm dứt hoàn toàn.