Kính áp tròng đọc chữ nổi dành cho người khiếm thị
Một loại kính áp tròng tiên tiến được phát triển bởi Giáo sư Zeev Zalevsky thuộc Đại học Bar-Ilan (Israel) sẽ cho phép người khiếm thị đọc được chữ nổi (chữ Braille) điện tử.
Loại kính mới, sử dụng giống như những kính áp tròng thông thường, được trang bị các điện cực có chức năng nhận tín hiệu từ một camera nhỏ cầm trên tay hoặc gắn trên mắt kính. Khi người dùng hướng camera vào một vật nào đó, thiết bị sẽ "phiên dịch" hình ảnh thành một loại chữ nổi điện tử và kính sẽ kích thích võng mạc bằng xúc giác. "Nó giống như bạn đọc chữ Braille, nhưng không phải bằng đầu ngón tay mà bằng đôi mắt", Giáo sư Zalevsky giải thích.
Theo ông, chúng ta có thể giải mã một hình ảnh bằng nhiều điểm hơn hệ thống chữ nổi và dùng kính để kích thích bề mặt của võng mạc. Khác với chữ Braille, vốn phụ thuộc vào vị trí của 6 điểm để chuyển tải thông tin cho người đọc, các cảm biến trong võng mạc nhạy cảm với kích thích xúc giác gấp 600 lần so với cảm giác của các đầu ngón tay.
Hiện loại kính áp tròng đặc biệt này chưa được thử nghiệm trên người, nhưng các thử nghiệm trên động vật cho thấy thiết bị đã giúp chúng vượt qua các chướng ngại vật trong môi trường tối. "Giải pháp của chúng tôi có thể giúp người khiếm thị đọc thư hoặc tự định hướng trong không gian 3 chiều, nghĩa là bạn có thể băng qua đường mà không sợ gặp tai nạn", ông Zalevsky cho biết. Việc học cách nhận diện hình ảnh bằng loại kính mới cũng giống như cách người khiếm thị học chữ nổi. Được biết, Giáo sư Zalevsky cũng đang nghiên cứu một hệ thống tương tự dành riêng cho người khiếm thính.