Kính gập được là gì? Liệu nó có phải là tương lai của điện thoại?

Samsung Galaxy Z Flip là chiếc điện thoại màn hình gập đầu tiên với màn hình bằng kính. Các thiết bị trước đây như Samsung Galaxy Fold đều có màn hình nhựa. Công nghệ kính uốn cong được có thể nói là yếu tố cơ bản để tạo nên những chiếc điện thoại và tablet màn hình gập tốt hơn.

Kính gập được trên thực tế không thể gập được, nó chỉ có thể uốn cong

"Kính gập được" là một thuật ngữ gây hiểu lầm. Màn hình với kính gập được thực ra không gập lại hoàn toàn – sẽ không có vết hằn sắc nào giống như khi bạn gập một mảnh giấy. Thay vào đó, mặt kính chỉ uốn cong mà thôi.

Khi một thiết bị như Samsung Galaxy Z Flip đóng lại, sẽ có một khoảng hở giữa hai nửa của mặt kính. Ngoài ra, xung quanh màn hình còn có các cạnh viền trồi lên, ngăn không cho hai mặt kính trực tiếp chạm vào nhau khi nó được gập đóng lại.

Nói cách khác, kính gập được là một loại kính siêu mỏng có thể uốn cong hàng trăm ngàn lần mà không vỡ. Nó không thể gập lại đến mức hai nửa mặt kính chạm vào nhau.

Kính uốn cong được không phải là thứ mới mẻ

Rất nhiều công ty thuộc đủ mọi lĩnh vực đã và đang nghiên cứu công nghệ này. Samsung mua kính gập được siêu mỏng từ nhà sản xuất Hàn Quốc là Doowoo Insys, nhưng không tiết lộ nhiều về công nghệ này.

Corning, hãng nổi tiếng với kính Gorilla Glass siêu cứng, kháng gãy vỡ, được dùng trên các mẫu iPhone và nhiều smartphone khác, đang tích cực nghiên cứu kính uốn cong được để trang bị cho các thiết bị điện tử. Corning đã tạo ra được một loại kính uốn cong được tên là "Willow Glass".

Kính uốn cong được không phải là thứ hoàn toàn mới mẻ. Theo Phó chủ tịch cấp cao về công nghệ liên lạc quang học của Corning, Claudio Mazzali, thì Corning đã uốn cong được kính trong gần 50 năm qua. Corning từng tạo ra sợi thủy tinh uốn dẻo dùng trong cáp sợi quang, có thể uốn cong thành góc 90 độ mà vẫn tiếp tục hoạt động một cách hoàn hảo.

Dù kính uốn cong được không mới, nhưng một trong những thách thức đặt ra là làm sao để nó trở nên siêu mỏng. Polly Chu của Corning cho biết: "để uốn cong thành một góc rất nhỏ, bạn phải làm ra một loại kính mỏng hơn rất nhiều so với thứ bạn đang có ngày nay". Kính càng mỏng, bạn càng uốn cong được nhiều hơn.

Đưa kính uốn cong được lên điện thoại

Tạo ra được kính uốn cong siêu mỏng đã khó, nhưng làm sao để loại kính mỏng hết mức đó trở nên bền và có khả năng kháng gãy vỡ như kính cường lực Gorilla Glass trên các smartphone hiện tại?

Có lẽ bạn đã quên mất sức mạnh ấn tượng của Gorilla Glass và các công nghệ tương tự: mặt kính trên màn hình một chiếc smartphone hiện đại có thể bị hành tơi tả mà không hề vỡ, hay thậm chí là trầy xước. Gorilla Glass cứng hơn cả các kim loại thông thường. Đó là điều chắc chắn.

John Bayne, lãnh đạo bộ phận Gorilla Glass của Corning, giải thích: "Với màn hình kính, bạn đang thách thức các định luật vật lý, trong đó để có thể uốn cong thành một góc rất nhỏ, bạn phải làm kính mỏng hết mức có thể, nhưng bạn cũng phải đảm bảo nó sống sót được sau một cú rơi và kháng được hư hỏng".

Bayne nói rằng Corning đang nghiên cứu để giữ nguyên được khả năng uốn cong của kính, đồng thời cải thiện khả năng kháng gãy vỡ của nó. Ông cho biết đưa kính Willow Glass của Corning qua một quy trình trao đổi ion vốn được dùng để tạo nên Gorilla Glass siêu cứng sẽ khiến khả năng uốn cong của Willow Glass giảm đi.

Corning vẫn kỳ vọng kính uốn cong được dành cho các thiết bị điện tử sẽ trở nên phổ biến trong vài năm tới. Làm sao Corning và các công ty khác giải quyết được những thách thức trong quá trình sản xuất? Đó là điều mà họ sẽ không bao giờ tiết lộ. Cũng hợp lý, bởi trên thị trường có vô số đối thủ, và tất cả đều đang bước vào một cuộc đua gay cấn.


Kính uốn cong được chính là tương lai của các thiết bị màn hình gập.

Tại sao kính gập được lại quan trọng đến vậy?

Trong video tiết lộ chiếc Galaxy Z Flip, Samsung nói rằng hãng đã nhảy vọt từ màn hình polymer (nhựa) sang kính gập được siêu mỏng. Đó không chỉ là một bước nhảy công nghệ đầy ấn tượng. Kính rõ ràng là chất liệu tốt hơn để sản xuất màn hình smartphone.

Để vượt qua những thách thức liên quan kính uốn cong được, các thiết bị màn hình gập như Samsung Galaxy Fold, Motorola Razr, và Lenovo ThinkPad X1 Fold phải dùng đến các màn hình nhựa, có cảm giác như một miếng bảo vệ màn hình bằng nhựa vậy. Màn hình này có thể không cho cảm giác tốt như màn hình kính, nhưng đó là điều cuối cùng bạn nên lo lắng. Những màn hình nhựa mềm này rất dễ bị trầy xước và hư hỏng so với màn hình kính. Motorola nói rằng "những vết lồi lõm là điều bình thường" trên chiếc smartphone Razr màn hình gập với màn hình nhựa.

Với màn hình kính, bạn sẽ không gặp phải "những vết lồi lõm" trên màn hình. Chúng sẽ không trầy xước và hư hỏng dễ dàng như màn hình nhựa. Đó là lý do tại sao các smartphone hiện nay – từ iPhone đến Android – đều có màn hình cảm ứng bằng kính. Kính là chất liệu bền bỉ hơn nhiều, vững chãi hơn nhiều trong điều kiện sử dụng thực tế. Móng tay của bạn sẽ không thể làm hư hỏng màn hình kính, nhưng lại có thể dễ dàng để lại một vết hằn trên màn hình nhựa.

Liệu các thiết bị màn hình gập sẽ là tương lai của di động? Có lẽ vậy. Và kính uốn cong được chính là tương lai của các thiết bị màn hình gập.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất