Kỳ bí báu vật Ai Cập 4.000 tuổi đào được giữa sân trường

Các nhà khảo cổ học Scotland cuối cùng đã giải quyết được bí ẩn về sự xuất hiện hoàn toàn khó hiểu của một loạt báu vật Ai Cập được khai quật từ khuôn viên một trường học.

Theo Live Science, bà Magaret Mathiland, người phụ trách chính về Địa Trung Hải cổ đại của Bảo tàng quốc gia Scotland (Anh), đã cùng các cộng sự vén màn bí ẩn về một câu chuyện xảy ra từ thế kỷ XIX, giải thích nguyên nhân vì sao một loạt báu vật hàng ngàn năm tuổi từ Ai Cập lại xuất hiện ở Anh.

Bảo tàng của bà Mathiland sở hữu một bộ sưu tập các cổ vật Ai Cập cực kỳ quý giá.


Bức tượng sa thạch đỏ được khai quật trong khuôn viên trường học ở Scotland, khởi đầu cho bí ẩn khảo cổ 7 thập kỷ - (Ảnh: BẢO TÀNG QUỐC GIA SCOTLAND).

Mọi thứ bắt nguồn từ 70 năm trước. Khi bị phạt lao động công ích bằng cách đào khoai, một cậu bé Scotland đã đào được một bức tượng bán thân bằng sa thạch đỏ.

Cậu học sinh và cô giáo đã bàn giao hiện vật cho nhà chức trách. Bức tượng được phát hiện là một báu vật 4.000 năm tuổi.

Nhiều hiện vật có giá trị khác sau đó đã được tìm thấy trong khuôn viên ngôi trường này từ năm 1952 đến 1984, một điều hoàn toàn vô lý vì chắc chắn không thể có công trình, đền đài nào của người Ai Cập được xây dựng trên quần đảo Anh quốc hàng thiên niên kỷ trước.

Nơi mà ngôi trường tọa lạc là Melville House, một tòa nhà lịch sử ở hạt Fife, nơi giam giữ binh lính trong Thế chiến II. Nhưng, điều đó cũng không giải thích được số báu vật vùi chôn dưới nền đất.

Ngoài báu vật Ai Cập 4.000 tuổi nói trên, các hiện vật khác bao gồm tượng nhỏ bằng đồn và gốm có niên đại từ năm 1069 đến năm 30 trước Công nguyên, trước khi đất nước huyền bí này bị người La Mã chiếm đóng.

Mất nhiều năm lần theo nhiều tư liệu rời rạc, cuối cùng các nhà khảo cổ đã tìm ra một cái tên: Alexander Leslie-Melville, người thừa kế của nhà Melville, tức một chủ nhân cũ của tòa nhà trong thế kỷ XIX.

Ông được xác nhận là đã đến Ai Cập vào năm 1856, ở lại một thời gian trước khi trở về Anh và qua đời một năm sau đó.

Các báu vật Ai Cập có thể đã được người thừa kế trẻ tuổi, đoản mệnh của gia tộc giàu có này sưu tầm trong chuyến du lịch. Rất tiếc, có lẽ những người thân không hiểu được giá trị của các hiện vật nên đã chuyển chúng đến một tòa nhà phụ sau khi ông Alexander Leslie-Melville qua đời rồi lãng quên chúng.

Sau nhiều thời gian, một biến cố nào đó đã khiến tòa nhà cất các báu vật này bị phá hủy, kết quả là chúng bị chôn vùi vương vãi khắp khuôn viên.

Bất chấp tất cả, nhiều hiện vật trong số đó vẫn được bảo tồn tốt, bao gồm bức tượng bằng sa thạch đỏ tinh xảo, một báu vật vô giá từ Ai Cập cổ đại.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất