Kỷ niệm 100 năm chuột vào phòng thí nghiệm

Năm 2009 đánh dấu 100 năm loài chuột đồng hành cùng các nhà nghiên cứu trên con đường khám phá khoa học.

Mốc này tính từ thế hệ chuột được nhận dạng di truyền đầu tiên vào năm 1909, bởi nhà nghiên cứu gien Clarence Cook Little, ĐH Havard.

Tuy nhiên, theo nhiều người, con số 100 là không chính xác. Bởi từ thế kỷ 19 các nhà tâm lý học và sinh vật học đã đưa loài chuột vào những thí nghiệm của mình. Năm 1870, Robert Koch sử dụng chuột để nghiên cứu vi khuẩn bệnh than hay Paul Ehrlich đã thực hiện hàng trăm thí nghiệm từ đầu thế kỷ 20, bằng việc cấy ghép khối u vào loài chuột. 


Chuột là loài động vật khá dễ nuôi, sinh sản nhanh và có kích thước nhỏ, vừa đủ cho quy mô phòng thí nghiệm. Ngoài ra, cơ chế sinh học của chúng cũng rất giống con người. Cho dù, mức độ tương tự này không thể bằng linh trưởng hay lợn nhưng hàng triệu con chuột vẫn được “ưu tiên” sử dụng trong vô số phòng thí nghiệm trên thế giới vì hai loài động vật trên rất khó nuôi và khá tốn kém.

Năm 1909, giáo sư Clarence Little sáng lập Phòng thí nghiệm Jackson tại thành phố Bar Harbor, tiểu bang Maine, miền Nam nước Mỹ. Nhiệm vụ chính của phòng thí nghiệm là nghiên cứu cơ chế di truyền gene để hỗ trợ việc phòng, chống và điều trị các bệnh ở người, từ đó cung cấp những kiến thức cho cộng đồng y sinh thế giới.

Phòng thí nghiệm Jackson có hơn 4.000 nguồn gene của các giống chuột khác nhau và là trung tâm lớn nhất thế giới chuyên cung cấp chuột thí nghiệm cho những khóa nghiên cứu khoa học, hội thảo, huấn luyện và giáo dục về chuyên ngành này.

Bác sĩ Geogre Snell, thuộc phòng thí nghiệm Jackson, đã đoạt giải Nobel Y học 1980 nhờ một công trình nghiên cứu khám phá vai trò của gene trong việc chấp nhận hoặc đào thải các bộ phận được ghép vào cơ thể người. Bác sĩ Snell đã tiến hành các thí nghiệm trên chuột.

Ngày nay, chuột được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu bệnh ung thư, miễn dịch và kỹ thuật cấy ghép… Các nhà tâm lý học cũng sử dụng loài chuột vào những nghiên cứu về cơ chế của ký ức và tập tính.

Điều đó cho thấy, cùng với các thiết bị khoa học hiện đại, chuột vốn ít được ưu ái trong đời sống hàng ngày lại đang giữ vai trò quan trọng vào sự thành công của nền khoa học hiện đại ngày nay.

Để tôn vinh “công lao” của những chú chuột, rất nhiều tượng đài mang hình chuột đã được dựng lên khắp thế giới. Ở Nga, người ta dựng hẳn một bức tượng chú chuột gần phòng thí nghiệm thú y, thị trấn Zadonsk.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất