Kỷ niệm 60 năm Sputnik 1: Quá khứ huy hoàng của người Nga

Đúng ngày này cách đây 60 năm - ngày 4 tháng 10 năm 1957, Liên bang Xô Viết phóng thành công vệ tinh Sputnik 1 vào không gian, mở màn cho cuộc chạy đua chinh phục vũ trụ của thế giới và mở ra bầu trời mới cho nhân loại khám phá.

Vào lúc 22 giờ 28 phút 34 giây ngày 4/10/1957 (giờ Moscow), 20 động cơ bốc cháy đẩy mạnh tên lửa R-7 - mang theo vệ tinh Sputnik 1 vào không gian và nhanh chóng biến mất trong màn đêm tối tăm theo hướng Đông bắc. 314,5 giây sau khi tách khỏi tên lửa, vệ tinh bắt đầu phát tín hiệu "Bíp! Bíp" có thể nghe được từ các trạm theo dõi trên Trái Đất.


Tên lửa đẩy R-7 rời mặt đất, mang theo vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người vào không gian.

Sputnik 1 mang theo khát vọng chinh phục vũ trụ của nhân loại đã được phóng thành công...

Người mở đường cho kỉ nguyên chinh phục vũ trụ

Bảo tàng tư nhân của Tập đoàn tên lửa và vũ trụ quốc doanh Nga RSC Energia là nơi lưu giữ những "báu vật" trong công cuộc chinh phục vũ trụ của Liên Xô. Một vài mô hình cho chuyến bay đầu tiên của Sputnik 1 vẫn đang được lưu giữ tại đây. Những mô hình này sở hữu một hình dạng vô cùng đặc biệt khiến bất cứ ai khi nhìn vào cũng có thể liên tưởng ngay đến Sputnik 1. Đó là quả cầu kim loại nhỏ với trọng lượng chỉ hơn 80kg; bề mặt được đánh bóng và gắn nhiều ăng ten.


Một kỹ sư của Liên Xô đang chỉnh sửa chi tiết cuối cùng của Sputkik 1 vào mùa thu năm 1957, trước khi đưa nó lên vũ trụ.

Phi hành gia Alexander Kaléry - Trưởng phòng Kiểm soát Chuyến bay của RSC Energia, hồi tưởng lại: dù được thiết kế đơn giản nhưng vệ tinh đầu tiên của thế giới hoạt động vô cùng hiệu quả.

"Nó được lấy ý tưởng từ lần phóng thành công đầu tiên tên lửa R7. Mục đích thiết kế của Sputnik 1 là càng đơn giản càng tốt, không cần các thiết bị khoa học cầu kì. Nó chỉ bao gồm một nhiệt kế, pin, một hệ thống điều hòa nhiệt độ và mô-đun. Điều này giúp Liên Xô có thể chiến thắng Mỹ trong cuộc chạy đua trở thành quốc gia đầu tiên phóng vệ tinh ra khỏi Trái Đất”.

Ông Igor Komarov, Tổng giám đốc Cơ quan Hàng không vũ trụ liên bang Nga Roscosmos, cho rằng: "Điều này thực sự quan trọng đối với tất cả người dân Xô Viết. Vì đây là một bước đột phá quan trọng, là minh chứng cho sự tiến bộ công nghệ, sự thành công của các chương trình được thực hiện bởi kỹ sư trưởng Sergey Korolev và các nhà khoa học hàng đầu của Liên bang Xô Viết. Họ cùng nhau tạo ra một ngành mới mẻ trên thế giới: ngành công nghiệp vũ trụ”.


Kỹ sư trưởng của dự án Sergei Korolev và dàn phóng tên lửa R-7 cải tiến để đưa Sputnik vào quỹ đạo.

Sự kiện chấn động thế giới 60 năm trước

Roger-Maurice Bonnet, cựu Giám đốc Khoa học của Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA, nhớ lại: “Đây là một sự kiện lớn, là khởi đầu cho cuộc chinh phục không gian của Liên Xô mà không ai có thể ngờ tới. Ngày ấy chúng tôi cứ nghĩ Mỹ mới là người đầu tiên phát động cuộc chạy đua này. Điều này đã tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn ở Washington vì họ không ngờ Liên Xô có khả năng làm được điều kì diệu như vậy”.

John Krige, nhà nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc Học viện công nghệ Georgia, Mỹ, lí giải: "Mọi người thường hiểu sai tầm quan trọng của Sputnik khi cho rằng, đây chỉ là một vệ tinh bình thường. Thực tế vấn đề ở đây là tên lửa đã giúp đưa Sputnik vào vũ trụ. Đây là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà Liên Xô đã phát triển và nó đã hoạt động thành công ngay vào lần thử nghiệm đầu tiên. Đó cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ cảm thấy sợ hãi trước sức mạnh của Liên bang Xô Viết”.

Vào thời điểm đó, khi cuộc chạy đua vũ trụ đang diễn ra, kỹ sư trưởng và người quản lý không gian của Liên Xô, Sergei Korolev, đã nhanh chóng khởi động một cuộc chạy đua mới. Chưa đầy một tháng sau khi Sputnik 1 ra mắt, Sputnik 2 được phóng lên cùng với chú chó Laika vào ngày 3/11/1957. Laika đã trở thành sinh vật sống đầu tiên lên vũ trụ, mặc dù nó đã bị thiêu cháy trong chuyến đi lịch sử của mình.


Hình ảnh mô phỏng hoạt động của Sputnik 1 ngoài không gian.

Quá khứ huy hoàng và đầy tham vọng

Chia sẻ với hãng tin Euronews, nhà du hành vũ trụ Alexei Leonov, người đầu tiên đi bộ ngoài không gian, đã kể lại những kỷ niệm của mình: "Sergei Pavlovich Korolev đã thiết lập một tàu vũ trụ có người lái với tên lửa Vostok, phiên bản mới của tên lửa đẩy phóng Sputnik. Họ đã ban hành một quy tắc về việc tuyển dụng phi hành đoàn cho tàu vũ trụ từ những người làm việc như phi công máy bay phản lực. Năm 1959, chúng tôi đã ở trong nhóm thử nghiệm đầu tiên".

Theo phi hành gia Alexander Kalery, kế hoạch của Liên Xô đã được triển khai vào cuối những năm 1950 khi chính phủ ban hành chương trình thăm dò không gian cho tương lai. Trong kế hoạch này, họ đề cập đến các trạm tự động bay lên Mặt Trăng, các chuyến bay tới sao Hỏa và sao Kim, chuyến bay của con người tới vũ trụ, “họ nói về những người đàn ông bước lên sao Hỏa, sao Kim, Mặt Trăng, và xây dựng các trạm vũ trụ ở đó”.


Chưa đầy một tháng sau khi Sputnik 1 ra mắt, Sputnik 2 được phóng lên cùng với chú chó Laika.

Việc Liên Xô đặt chân lên vũ trụ trước đã khiến nước Mỹ hốt hoảng vì nhận thức rằng mình đang “thua kém về công nghệ tên lửa”.

Sau khi trải qua hàng loạt vụ phóng thất bại, vệ tinh đầu tiên của Mỹ, Explorer 1, cuối cùng cũng được phóng vào ngày 31/01/1958.

Tính đến thời điểm đó, Liên Xô đã đạt được chiến thắng lớn về mặt ý thức hệ, khi họ đưa chú chó Laika vào quỹ đạo không gian trên tàu Sputnik 2.

Trong khoảng cuối những năm 1950 đến đầu những năm 1960, các chương trình không gian của Liên Xô liên tiếp đạt được một loạt các danh hiện đầu tiên, như: Người đàn ông đầu tiên bay vào không gian; Người phụ nữ đầu tiên bay vào không gian; Ba người đàn ông đầu tiên bay vào không gian; Cuộc đi bộ đầu tiên trong không gian, Tàu vũ trụ đầu tiên đến gần Mặt Trăng; Tàu vũ trụ đầu tiên bay vào quỹ đạo Mặt Trăng; tàu vũ trụ đầu tiên đến gần Sao Kim; và cuộc hạ cánh mềm đầu tiên trên sao Hỏa.

Tuy nhiên, "cuộc chơi" đã thay đổi cục diện khi Mỹ có bước nhảy vọt khổng lồ vào cuối những năm 1960, với chương trình Apollo mà đỉnh cao là cuộc đổ bộ lịch sử xuống Mặt Trăng vào ngày 20/7/1969.

Vầng hào quang đã tắt?

Liên bang Xô Viết đã bắt đầu kỷ nguyên vũ trụ từ 6 thập kỉ trước với vụ phóng Sputnik 1, và mở đường cho loài người tiến vào vũ trụ sau khi đưa nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin vào quỹ đạo gần Trái Đất ngày 12/4/1961.

Tuy nhiên, quốc gia một thời từng đi tiên phong trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ, hiện đang chật vật tìm cách khôi phục vị thế của mình sau một thời gian dài bị chảy máu chất xám và cắt giảm ngân sách.

Sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga hậu Xô Viết đã không thể phóng một thiết bị vũ trụ nào đến các hành tinh trong hệ Mặt Trời, kể cả Mặt Trăng. Trong khi các tàu thăm dò của nước Mỹ đã du hành tới những vùng xa nhất của hệ Mặt Trời. Thậm chí, cả những quốc gia mới tham gia vào lĩnh vực vũ trụ như Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản cũng đã gửi các con tàu không người lái tới Mặt Trăng và những nơi xa hơn.

Báo cáo của tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD vào cuối năm ngoái đã cho thấy, ngân sách giành cho cuộc đua khám phá vũ trụ của Nga vào năm 2013 chỉ khoảng 5,3 tỷ USD, ít hơn rất nhiều lần so với Mỹ và thậm chí là “người đến sau” Trung Quốc.


Ngân sách giành cho chương trình vũ trụ của Nga vào năm 2013 chỉ khoảng hơn 5 tỷ USD, trong khi con số này ở Mỹ và Trung Quốc lần lượt là 39 và 6 tỷ.

Thế giới đã bùng nổ một cuộc chạy đua mới trong công cuộc chiếm lĩnh không gian vũ trụ. Không chỉ các gương mặt mới như Ấn Độ, Trung Quốc và gần đây nhất là Australia, mà còn có sự góp mặt của các tập đoàn lớn như Space X của tỷ phú Elon Musk hay Blue Origin của ông chủ Amazon Jeff Bezos.

Người Nga ngày nay biết gì về lịch sử của Sputnik?

Phóng viên hãng tin Euronews đã phỏng vấn khách tham quan ở Viện bảo tàng du hành vũ trụ tại Moscow thì nhận được những câu trả lời như sau:


Mô hình Sputnik ở Viện bảo tàng du hành vũ trụ tại Moscow.

Di sản đó tồn tại cho đến ngày hôm nay. Tất cả các phi hành gia đều sử dụng sân bay vũ trụ Baikonur để lên trạm vũ trụ quốc tế ISS như Sputnik 1 đã dùng. Cơ quan Hàng không vũ trụ liên bang Nga Roscosmos cũng đã có nhiều dự án mới với tư cách là đối tác. Trong số đó có dự án hợp tác với NASA xây trạm vũ trụ quanh Mặt Trăng trong khoảng thời gian từ năm 2024-2026, hay dự án Trạm liên hành tinh Nga - Châu Âu ExoMars nhằm thám hiểm hành tinh Đỏ.

"Tôi tin rằng, là người đầu tiên trong lĩnh vực này giờ không còn quan trọng nữa. Điều quan trọng là những gì chúng tôi đang hợp tác hướng đến. Đó là những khám phá mang tính đột phá vô cùng quan trọng. ExoMars là một trong số đó. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tích cực chuẩn bị để xây dựng trạm vũ trụ trên Mặt Trăng trong năm 2020 để có thể hiểu rõ hơn về môi trường ở đây, thậm chí có thể tiến gần hơn với mục tiêu xây dựng nhà ở trên Mặt Trăng" - ông Komarov, Giám đốc Roscosmos cho biết thêm.

Những dự án hướng tới Mặt Trăng, Sao Hỏa như vậy được kì vọng sẽ đem lại kì tích như những gì Sputnik, dự án đầy tham vọng và thành công vang dội cho tới tận 60 năm sau, đã tạo ra.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất