Kỹ thuật chữa trị mới cho người bị đục thủy tinh thể
Không cần khâu do vết mổ nhỏ, ít tai biến và mau hồi phục, phương pháp phẫu thuật phaco và đặt kính nội võng mạc mới, vừa được Bệnh viện Mắt TP HCM thực hiện mẫu tại Hội nghị nhãn khoa toàn quốc, cuối tuần qua.
Bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật mới đầu tiên là những người bị mắc chứng đục thủy tinh thể có kèm lão thị; đục thủy tinh thể có độ loạn cao và bệnh hỏng màng võng mạc…
Phó giáo sư Henry S. Newland, Trường Đại học Adelaide, Australia, người trực tiếp mổ, cho biết, ngoài tay nghề của bác sĩ, thì ưu điểm của kỹ thuật mới phụ thuộc vào các thiết bị hiện đại.
“Máy mổ tốc độ cắt cao; đầu cắt ngày càng tinh vi là nguyên nhân khiến bệnh nhân ít bị tai biến, không đau và mau bình phục vì vết mổ rất nhỏ”, ông Henry nói.
Còn theo giáo sư Haile Guo, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Nhân dân Quảng Đông, Trung Quốc, với những bệnh nhân vừa đục thủy tinh thể vừa loạn thị, thay vì phải trải qua tối thiểu 2 lần phẫu thuật, hoặc sau phẫu thuật phải mang kính thì phương pháp đặt kính nội võng mạc sử dụng công nghệ “Apodized” thế hệ mới sẽ giúp thị lực của bệnh nhân hồi phục ngay chỉ sau một lần mổ.
“Nếu kính nội nhãn loại truyền thống chỉ có thể nhìn xa, muốn đọc sách báo cần phải mang thêm kính hỗ trợ thì loại kính mới, người bệnh có thể nhìn xa và nhìn rõ vật trong ánh sáng kém và cả về đêm”, ông Guo cho biết.
Bà Trần Thị Phương Thu, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM, cho biết, để ứng dụng được kỹ thuật mới, bệnh viện đã phải đầu tư thiết bị lên đến hàng triệu USD, tuy nhiên điều này lại giúp người bệnh thay vì phải sang nước ngoài điều trị thì nay đã có thể yên tâm chữa bệnh trong nước.
“Hiện chi phí điều trị cho các ca đặt kính nội võng mạc bằng kỹ thuật mới tại Việt Nam chỉ bằng khoảng 20% so với chữa trị ở nước ngoài”, bà Thu nói.
Cũng theo bác sĩ Thu, hiện có gần 400.000 người Việt Nam bị mù lòa với 66% do đục thủy tinh thể gây ra. Tuy nhiên 75% trường hợp mù lòa có thể phòng tránh nếu được phát hiện và điều trị sớm.