Lạ lùng những tòa nhà chọc trời vận hành hết công suất nhưng không có người ở
Ở rìa phía đông Rừng Đen của Đức, một công trình kỳ lạ, một tòa nhà chọc trời không có người ở, đang thống trị vùng đất này.
Nó được gọi là TK Elevator Testturm, và với chiều cao 245 mét, đây là một trong những tòa nhà cao nhất nước Đức.
TK Elevator Testturm là một trong những tòa nhà cao nhất nước Đức. (Ảnh: TK Elevator/CNN).
Tuy nhiên, sự thiếu vắng rõ ràng các cửa sổ cho thấy, tòa nhà cao tầng này không chứa đầy các văn phòng hoặc căn hộ cao cấp. Mục đích chính của tòa tháp nằm ẩn trong lõi của nó: 12 trục được sử dụng để thử nghiệm các mẫu thang máy mới nhất.
Nhà sản xuất thang máy Đức TK Elevator, đơn vị cung cấp thang máy cho các tòa nhà chọc trời bao gồm Trung tâm Thương mại Một Thế giới ở Thành phố New York, còn có các tháp thử nghiệm ở Atlanta - một công trình cao 128 mét, và thành phố Trung Sơn, Trung Quốc. Với chiều cao 247 mét, tòa tháp ở Trung Sơn cao hơn tượng Nữ thần Tự do gần gấp ba lần.
Các tháp thử nghiệm thang máy còn có thể cao hơn nữa. Ví dụ, Tháp H1 do tập đoàn Hitachi của Nhật Bản xây dựng tại Quảng Châu, Trung Quốc, có chiều cao 289 mét. Đây là một trong những tòa nhà cao nhất tại thành phố có nhiều tòa nhà chọc trời này, nó còn nằm trong Top 25 tòa nhà cao nhất tại Thành phố New York, và là tòa tháp cao thứ ba tại Los Angeles.
Tháp thử nghiệm thang máy cao 245 mét ở Rottweil, Germany. (Ảnh: TK Elevator/CNN).
Tomio Pihkala, giám đốc công nghệ tại nhà sản xuất thang máy Kone của Phần Lan, cho biết, các tháp thử nghiệm thang máy “giống như đường thử nghiệm cho một đội đua Công thức 1”. Theo ông, “lý do chính và quan trọng nhất khiến các tháp thử nghiệm tồn tại là việc xác minh một số chức năng an toàn nhất định chỉ có thể được thực hiện trong môi trường thực tế”.
Tái tạo điều kiện vận hành
Kone, công ty đã lắp đặt thang máy tại Tháp Taipei 101 (từng là tòa nhà cao nhất thế giới từ năm 2004 đến năm 2010) và The Shard của London, đã mở tòa tháp thử nghiệm đầu tiên tại Hyvinkää, Phần Lan, vào năm 1967. Kể từ đó, công ty đã xây dựng thêm bốn tháp thử nghiệm nữa, trong đó tòa tháp cao nhất được hoàn thành vào năm 2015 tại Côn Sơn, Trung Quốc, có độ cao 235 mét.
Ảnh chụp từ trên không tòa tháp Hitachi H1, một trong những tòa tháp thử nghiệm thang máy cao nhất thế giới, tại Quảng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).
Ông Pihkala cho biết: "Trong các tòa tháp thử nghiệm, chúng tôi tăng cường các điều kiện vận hành thực tế của thang máy, không có sự hiện diện của người dùng bình thường. Đây cũng là một địa điểm tuyệt vời để xác minh chất lượng, sự thoải mái và độ tin cậy của thang máy".
Trong số các bài kiểm tra an toàn có một bài mô phỏng tình huống rơi tự do: "Đó không phải là thang máy thực sự, mà là khối lượng tương đương... và đó là lúc hệ thống phanh khẩn cấp và thiết bị an toàn phải kích hoạt để dừng thang máy một cách an toàn, để không ai bên trong bị thương", ông Pihkala cho biết.
Lý do tại sao một số tòa tháp thử nghiệm lại cao như vậy là vì hầu hết các thang máy hiện đại đều quá nhanh, đến mức chiều cao của tháp thử nghiệm không đủ đáp ứng. “Khi có thang máy nhanh hơn, bạn cần một tòa tháp thử nghiệm cao hơn”, ông Pihkala giải thích. “Thang máy tốc độ cao di chuyển với tốc độ hơn 9 mét mỗi giây và để thử nghiệm loại thang máy đó, bạn cần đủ không gian để tăng tốc đến tốc độ tối đa, rồi giảm tốc”.
Hướng vào lòng đất
Tuy nhiên, xây dựng tháp thử nghiệm hướng lên không trung không phải là lựa chọn duy nhất. Trên thực tế, cơ sở thử nghiệm thang máy dài nhất thế giới nằm dưới lòng đất. Tọa lạc tại Tytyri, Phần Lan, đây là một phần của một mỏ đá vôi đang hoạt động và có độ sâu gần 350 mét.
Cơ sở thử nghiệm thang máy của Kone ở Tytyri, Phần Lan, có độ sâu gần 350 mét trong lòng đất. (Ảnh: TK Elevator/CNN).
“Đây là điều độc đáo trong ngành của chúng tôi,” ông Pihkala nói về cơ sở này. “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận sử dụng một số mỏ sâu, cho phép chúng tôi thử nghiệm thang máy phù hợp với các tòa nhà cao tới một km”.
Tại địa điểm này, thang máy có thể được thử nghiệm ở tốc độ lên tới 19 m/giây và các thử nghiệm rơi tự do cho thấy khung thang máy nặng gần 1.000kg đạt tới gần 26m/giây. Tổng cộng, mỏ có 11 hố thang với tổng chiều dài gần 1,6km.
Một trong các tháp thử nghiệm của TK Elevator ở thành phố Atlanta, Georgia, Mỹ. (Ảnh: TK Elevator/CNN).
Giống như tất cả các tòa nhà chọc trời, các tháp thang máy cần phải chịu được gió mạnh có thể gây ra sự lắc lư và ảnh hưởng đến các điều kiện thử nghiệm. Vì lý do này, một số trong số chúng được trang bị bộ giảm chấn khối lượng - là những con lắc lớn chống lại các rung động do thời tiết khắc nghiệt hoặc thậm chí là động đất gây ra.
Điểm tham quan du lịch
Thiết kế của tòa tháp Rottweil có phần bên ngoài bằng vải sợi thủy tinh tạo cho tòa nhà vẻ ngoài bóng bẩy, mờ đục. Theo TK Elevator, ngoài việc bảo vệ tòa nhà khỏi bức xạ mặt trời và chống gió, mặt tiền còn giúp tòa nhà trở thành một địa danh kiến trúc địa phương.
Tòa tháp đã trở thành điểm tham quan du lịch kể từ khi mở cửa vào năm 2017 và thậm chí còn tổ chức cuộc thi "chạy cầu thang" thường niên thu hút hơn 1.000 người tham gia. Tuy nhiên, hầu hết du khách đến đây để ngắm nhìn từ đài quan sát cao nhất nước Đức, nơi có tầm nhìn không bị cản trở ra Rừng Đen.
- Tòa nhà chọc trời đưa cư dân đi khắp thế giới trong 24h
- Người của 100 năm trước dự đoán tương lai: vẽ vu vơ mà lại thành "chuẩn"
- Người Hàn Quốc đã tạo nên tòa tháp vô hình độc nhất trên thế giới như thế nào?