Lâm Đồng đất nứt, Ninh Thuận bùn phun

Hiện tượng nứt đất ở Lâm Đồng và bùn phun ở Ninh Thuận trong những ngày gần đây đã làm dấy lên câu hỏi: có hay không sự liên quan giữa hai hiện tượng này?

Chiều 4.5, ông Trần Kim Tiên, Phó chủ tịch UBND xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận cho biết: “Hiện tượng bùn phun trào ở địa phương vẫn đang diễn ra. Tại 5 điểm bùn phun, đất đá nhão sệt trào lên như khi mới phát hiện; có một vài điểm lượng bùn phun đã giảm”. Ông Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Ninh Thuận, cho hay: “Đến nay, hiện tượng bùn phun ở địa phương vẫn chưa được nghiên cứu, do UBND tỉnh chưa phê duyệt kinh phí”.

 


Nhà dân trên đường Nguyễn Văn Trỗi, thị trấn Di Linh bị nứt do nứt đất - Ảnh: Lâm Viên

Hiện tượng bùn phun ở Ninh Thuận cùng hiện tượng nứt đất bất thường ở Di Linh (Lâm Đồng) khiến nhiều người dân lo lắng về một mối liên hệ địa chất nào đó. Một số nhà khoa học thuộc Viện Địa chất cho rằng nứt đất tại Lâm Đồng không liên quan đến động đất hoặc núi lửa.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, cho biết Lâm Đồng là địa bàn ít chịu tác động của núi lửa và động đất. Hiện chưa thể khẳng định chính xác nguyên nhân gây nứt đất và sụt lún nhà dân xảy ra trên địa bàn H.Di Linh, tỉnh Lâm Đồng vì cần phải nghiên cứu kỹ hiện trường cũng như phân tích nhiều dữ liệu... Bước đầu, TS Phương cho rằng nhiều khả năng đây là hiện tượng địa chất thủy văn liên quan đến hoạt động khai thác nước ngầm quá mức, không liên quan đến động đất và núi lửa.

TS Phương cũng khẳng định nứt đất ở Lâm Đồng và bùn lạ phun trào ở Ninh Thuận là hai hiện tượng hoàn toàn khác nhau và không liên quan đến nhau. “Bùn phun ở Ninh Thuận được xác định là hiện tượng núi lửa bùn trong khi nứt đất tại Lâm Đồng nhiều khả năng do khai thác nước ngầm quá mức”, TS Phương nói.

Cùng ngày 4.5, tiến sĩ Đỗ Văn Lĩnh, Phó liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam (thuộc Cục Địa chất và khoáng sản VN), nhận định hiện tượng nứt đất tại Di Linh liên quan đến đới đứt gãy Bảo Lâm (Lâm Đồng) - Tam Hiệp (Đồng Nai).


Một điểm bùn phun tại Ninh Thuận - Ảnh: Lê Xuân

TS Đỗ Văn Lĩnh cho biết: có 2 nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nứt đất. Nguyên nhân nội sinh là do chu kỳ hoạt động trở lại của đới đứt gãy trong lòng đất. Nguyên nhân ngoại sinh là do phong hóa trượt lở, sự co bóp nội bộ của đất đá. Trước đây, ở các tỉnh Đông Nam Bộ, có nơi nguyên nhân nứt đất kết hợp cả nội sinh và ngoại sinh. Thông thường, những nơi xung yếu nứt đất trùng với điểm đứt gãy. Nếu người dân khai thác nước ngầm quá mức sẽ tạo hố trũng làm mất cân bằng kết cấu đất đá, có thể dẫn đến hiện tượng nứt đất, sụt lún đất. Ông Lĩnh nhận định: Đứt gãy Bảo Lâm - Tam Hiệp là đứt gãy vuông góc với hai đới đứt gãy lớn Đa Nhim (Lâm Đồng) - Biên Hòa (Đồng Nai) và Tuy Hòa (Phú Yên) - Biên Hòa. Tuy nhiên, muốn kết luận nguyên nhân chính xác phải đến hiện trường đo đạc cụ thể, quan trắc động thái nước ngầm thế nào...

[#RelatedNews(205)#]

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất