Làm thế nào để 'hứng' một đứa trẻ rơi?

Một đứa bé mới chập chững biết đi đã sống sót sau khi ngã từ tầng 10 nhờ một người qua đường đỡ được. Chuyện gây xôn xao và khiến các nhà khoa học đặt câu hỏi làm thế nào để có thể 'hứng' được một đứa trẻ đang rơi.


Wu Juping bị gãy tay vì cứu đứa trẻ 2 tuổi rơi từ tầng 10.
Ảnh: ChinaDaily.

Zhang Fangyu, 2 tuổi, tỉnh dậy sau 10 ngày hôn mê do một cú ngã từ cửa sổ căn hộ của gia đình cô bé ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Một phụ nữ 31 tuổi, tên là Wu Juping đỡ được bé, nhưng chị ngất đi vì cú va chạm mạnh làm gãy cánh tay.

Tương tự, bà mẹ đến từ Nottinghamshire đã cứu đứa con 16 tháng tuổi từ ban công khách sạn cao 12m ở Florida, Mỹ. Hay Helen Beard, 44 tuổi, đang ở cạnh hồ bơi nhìn thấy một đứa trẻ sắp ngã và chạy tới đỡ, rồi cả hai cùng ngã xuống sàn.

Những trường hợp như vậy trên thực tế hiếm khi xảy ra, nhưng nếu gặp tình huống đó một người có thể làm gì để đỡ được một đứa trẻ đang rơi từ trên cao xuống?

Tiến sĩ Jardine Wright, đến từ đại học Cambridge cho biết trên BBC, theo nguyên tắc thì vật rơi càng nặng và độ cao càng lớn thì lực tương tác giữa người “hứng” và vật rơi càng lớn. Còn đối với thời gian thì ngược lại, thời gian càng kéo dài thì lực tương tác càng giảm.

Theo các nhà vật lý, chìa khóa để giảm thiểu tổn thương cho cả đứa trẻ và người “hứng” là cố gắng phân tán năng lượng của cú va chạm cũng như kéo dài thời gian va chạm ra tới mức tối đa, ví dụ như ngã người ra trong khi đỡ đứa trẻ.

Tiến sĩ Jardine Wright cho rằng, có thể ví von cách đỡ đứa trẻ theo kiểu này như những cú “bắt bóng” của các thủ môn bóng đá, như ta thường thấy họ ngã ra khi bắt bóng, làm như vậy có thể giúp giảm mức độ tác động của cú va chạm, hạn chế được tổn thương tới mức tối đa cho cả hai người.

Ngoài ra có thể phân tán bớt năng lượng của quá trình rơi để giảm tốc độ rơi và mức tương tác giữa người “hứng” với đứa trẻ bằng cách truyền năng lượng vào vật khác trong lúc rơi. Nguyên lý này thường được áp dụng trong khi đóng các bộ phim hành động, họ thường cho các diễn viên đóng thế ngã xuống một mái che trước khi tiếp đất, nhưng khó áp dụng trong các tình huống khẩn cấp.

Cũng có thể trải một vật gì đó tương đối mềm trên mặt đất để năng lượng có thể được hấp thụ vào đó khi đứa trẻ và người hứng ngã xuống, như vậy thì cả hai có thể tiếp đất nhẹ nhàng hơn.

Thực tế là sự việc thường chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian rất ngắn nên khó có thể áp dụng tất cả các lý thuyết nói trên ở thực tế, càng khó có thể chuẩn bị cả đệm lò xo hay tấm bạt để đỡ được đứa trẻ an toàn, nên tốt nhất cần rèn luyện tư duy nhạy bén để có những hành động kịp thời và thông mình nhằm giúp cứu người mà vẫn bảo đảm an toàn cho bản thân.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất