Lần đầu phát hiện hai hố đen quay quanh nhau

Hai hố đen khổng lồ nằm trong thiên hà 0402+379 quay quanh nhau được các nhà khoa học phát hiện lần đầu tiên.


Hai hố đen khổng lồ quay quanh nhau, cách Trái Đất 750 triệu năm ánh sáng. (Đồ họa:UNM.)

Một nhóm các nhà khoa học Mỹ trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Astrophysical cho biết đã trực tiếp quan sát thấy hai hố đen khổng lồ cách Trái Đất 750 triệu năm ánh sáng quay quanh nhau, Newsweek ngày 28/6 đưa tin.

Các các nhà khoa học sử dụng 10 kính viễn vọng vô tuyến trên khắp nước Mỹ để quan sát hai hố đen từ 12 năm trước. Hai hố đen khổng lồ nằm trong thiên hà 0402+379, có tổng khối lượng gấp 15 tỷ lần khối lượng Mặt Trời và mất khoảng 20.000-30.000 năm để quay hết một vòng quỹ đạo.

Quá trình ghi nhận tín hiệu phát ra từ hai hố đen giúp các nhà khoa học xây dựng quỹ đạo di chuyển của chúng. "Rõ ràng đây là hệ thống hai hố đen quay quanh nhau lần đầu được quan sát thấy", các tác giả viết. Đội nghiên cứu sẽ tiếp tục quan sát trong 3-4 năm tới để xác nhận thông tin.

Các nhà khoa học từ lâu đưa ra giả thuyết tồn tại hai hố đen quay quanh nhau, là kết quả của sự sáp nhập giữa hai thiên hà, dù trước đây chưa từng phát hiện hiện tượng thiên văn này.


Mô phỏng hai hố đen sáp nhập. (Đồ họa: Warp Drive Research.)

Vì sự chênh lệch vận tốc di chuyển của hai hố đen, các nhà nghiên cứu dự đoán chúng sẽ không bao giờ sáp nhập ngay cả khi vũ trụ chấm dứt sau khoảng hàng tỷ hay nghìn tỷ năm tới. "Hãy hình dung có một con ốc sên di chuyển với vận tốc 1 cm/s quanh hành tinh Proxima Centauri giống Trái Đất cách chúng ta 4 năm ánh sáng", đồng tác giả nghiên cứu Roger W. Romani, giáo sư Vật lý tại Đại học Stanford, nói.

Phát hiện mới cung cấp thông tin về thời điểm trước khi hai hố đen va chạm, một sự kiện thiên văn làm lan sóng hấp dẫn khắp vũ trụ. Phát hiện cũng giúp con người thấy trước tương lai khi thiên hà Andromeda được dự đoán sẽ va vào dải Ngân hà trong khoảng 4 tỷ năm tới.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất