Lần đầu phát hiện hạt vi nhựa ở sâu trong phổi của người sống
Lần đầu tiên trên thế giới, các nhà khoa học đã phát hiện hạt vi nhựa nằm sâu trong phổi của người sống.
Theo trang The Guardian (Anh), các nhà khoa học ở Anh đã tìm thấy các hạt nhựa siêu nhỏ từ mô của 11 trong tổng số 13 bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật. Các vi hạt phổ biến nhất là polypropylene (loại nhựa thường được sử dụng trong bao bì thực phẩm và ống nhựa), PET (loại nhựa thường dùng trong chai nước uống). Trước đó, hai nghiên cứu khác cũng đã phát hiện tỷ lệ vi nhựa cao tương tự trong mô phổi được lấy từ quá trình khám nghiệm tử thi.
Các hạt vi nhựa trên ngón tay người.
Ô nhiễm vi nhựa hiện phổ biến trên khắp hành tinh, khiến con người không thể tránh khỏi nguy cơ phơi nhiễm. Điều này gây ra mối lo ngại về tác động của hạt vi nhựa đối với sức khoẻ của chúng ta. Theo đó, con người có thể hít phải các hạt siêu nhỏ này, cũng như hấp thụ chúng qua thức ăn và nước uống. Người lao động tiếp xúc với mức độ vi nhựa cao cũng có nguy cơ sinh bệnh.
Bà Laura Sadofsky, nhà nghiên cứu tại Trường Y khoa Hull York (Anh), tác giả nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi không nghĩ rằng sẽ tìm thấy số lượng các hạt vi nhựa cao nhất ở vùng dưới của phổi. Thật đáng ngạc nhiên khi tìm thấy vi nhựa ở đường hô hấp nhỏ hơn thuộc phần dưới của phổi. Chúng tôi đã nghĩ rằng các hạt có kích thước rất nhỏ này đáng lẽ ra phải được lọc hoặc bị ngăn lại trước khi con người hít chúng vào sâu như thế này”.
Bà Sadofskytin rằng nghiên cứu mới sẽ cung cấp bước tiến quan trọng trong lĩnh vực ô nhiễm không khí, vi nhựa và sức khỏe con người. Thông tin này có thể được sử dụng để tạo điều kiện thực tế cho các thí nghiệm nhằm xác định tác động của vi nhựa đến sức khỏe.
Nghiên cứu đã được đăng trên Tạp chí Science of the Total Environment. Theo đó, các nhà khoa học đã sử dụng các mẫu mô phổi khỏe mạnh, phân tích các hạt có kích thước nhỏ đến 0,003mm bên trong đó và xác định loại nhựa bằng phương pháp quang phổ. Họ cũng sử dụng các mẫu kiểm soát để tính mức độ ô nhiễm nền.
Trong nghiên cứu ở Brazil năm 2021, các nhà khoa học đã nghiên cứu các mẫu tử thi và tìm thấy vi nhựa ở 13 trong số 20 người được phân tích. Những người này có độ tuổi trung bình cao hơn những người tham gia nghiên cứu của bà Sadofsky. Polyetylen là một trong những loại nhựa phổ biến nhất. Các nhà nghiên cứu kết luận những hạt gây ô nhiễm này có tác động nghiêm trọng đến sức khoẻ của con người, sau khi hệ hô hấp hít phải chúng.
Một phân tích của Mỹ về bệnh nhân ung thư phổi năm 1998 cũng tìm thấy nhựa và sợi thực vật (chẳng hạn cotton) bên trong hơn 100 mẫu nghiên cứu. Trong mô ung thư, 97% mẫu có chứa sợi thực vật và trong mô không ung thư, 83% mẫu nghiên cứu bị ô nhiễm.
Hình ảnh chụp X-quang phổi. (Ảnh minh hoạ: Independent.ie)
Lượng lớn rác thải nhựa đang bị xả ra môi trường và vi nhựa xuất hiện phổ biến khắp thế giới, từ những ngọn núi cao nhất như đỉnh Everest đến những vực sâu nhất dưới Thái Bình Dương. Các vi hạt đã được tìm thấy trong nhau thai của phụ nữ mang thai và chuột mang thai. Sau đó, chúng nhanh chóng đi qua phổi vào tim, não và các bộ phận khác của thai nhi.
Một phân tích gần đây đã đánh giá nguy cơ ung thư khi hít phải hạt vi nhựa: “Cần có nhiều nghiên cứu chi tiết hơn về cách thức chất dẻo vi mô và nano ảnh hưởng đến cơ thể con người. Liệu chúng có thể biến đổi tế bào và tạo ra chất sinh ung thư hay không, đặc biệt trong bối cảnh sản xuất nhựa đang gia tăng theo cấp số nhân”.
Hồi tháng 3, các nhà khoa học cũng lần đầu phát hiện vi nhựa trong máu người. Nghiên cứu chỉ ra rằng các hạt này có thể di chuyển khắp cơ thể và có thể ẩn trong các cơ quan của con người. Dù vẫn chưa rõ chúng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao, song kết quả quan sát trong phòng thí nghiệm cho thấy vi nhựa gây hại cho tế bào người. Việc các hạt ô nhiễm trong không khí xâm nhập vào cơ thể người cũng liên quan đến hàng triệu ca tử vong sớm mỗi năm.
- Lần đầu phát hiện hạt vi nhựa trong máu người
- Những sự thật về siêu vũ khí dưới nước đầu tiên của Mỹ
- Phát hiện rùa bạch tạng cực hiếm có... khó thấy trên thế giới