Lần đầu phát hiện thứ giống "áo giáp sự sống" Trái đất ở ngoại hành tinh

Các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện dấu hiệu trực tiếp đầu tiên về từ quyển của một ngoại hành tinh, tức hành tinh ngoài Hệ Mặt trời.


Ảnh đồ họa mô tả ngoại hành tinh mới phát hiện trong chòm sao Thiên Nga - (Ảnh: Denis Bajram).

Sử dụng dữ liệu cực tím từ Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA/ESA, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi Đại học Arizona (Mỹ) đã phát hiện các hạt ion carbon - tức các hạt mang điện tương tác với từ trường - trong từ quyển của ngoại hành tinh có kích thước bằng sao Hải Vương, mang tên HAT-P-11b.

Ngoại hành tinh kỳ lạ quay quanh một ngôi sao loại K trong chòm sao Thiên Nga, cách Trái đất 122 năm ánh sáng. Đó là một hành tinh khổng lồ có kích thước gấp 4 lần và khối lượng gấp 26 lần Trái đất, cực kỳ nóng (bề mặt khoảng 605 độ C).

Dữ liệu cực tím cũng hé lộ đây là một hành tinh khí, tức gồm lõi đá nhỏ và một bầu khí quyển dày đặc. Họ cũng nhận thấy bầu khí quyển đó cực kỳ dày kim loại.

Theo Sci-News, điều đặc biệt nhất về nghiên cứu này là các dấu hiệu về từ quyển của nó. "Đây là lần dầu tiên dấu hiệu về từ trường của một ngoại hành tinh được phát hiện trực tiếp" - tiến sĩ Gilda Ballester từ Phòng thí nghiệm Mặt trăng và hành tinh, Đại học Arizona, nói.

Đối với Trái đất chúng ta, từ quyển mạnh mẽ chính là lớp áo giáp bảo vệ bầu khí quyển và sự sống khỏi các hạt năng lượng có hại từ gió Mặt Trời, giúp sự sống có cơ hội tồn tại và tiến hóa.

Hành tinh vừa phát hiện có từ quyển còn mạnh mẽ hơn Trái đất, tuy nhiên vì quá nóng nên nó khó lòng sống được. Nhưng việc tìm thấy dấu hiệu trực tiếp về từ quyển ngoại hành tinh sẽ mở đường cho nhiều nghiên cứu sau này đối với các hành tinh có khả năng sinh sống cao hơn, như một tiêu chí để đánh giá khả năng sống được của hành tinh đó.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất