Lần đầu tiên phát hiện loài khủng long ăn tạp
Một nhà khoa học Mỹ vừa tìm thấy sọ của con khủng long ăn tạp từng sống cách đây khoảng 190 triệu năm. Chúng giúp các chuyên gia giải thích quá trình chuyển từ ăn thịt sang ăn cỏ ở loài vật khổng lồ thời tiền sử.
Chiếc sọ nhỏ xíu chỉ nặng tương đương một chiếc máy nghe nhạc MP3 và thuộc về một con Heterodontosaurus chưa đến tuổi trưởng thành. Cấu trúc răng của nó gồm nhiều chiếc sắc nhọn ở phía trước để cắn và xé mồi và những răng to, phẳng để nghiền thức ăn ở phía sau. Đây là bằng chứng cho thấy loài động vật nhỏ bé này đang trong giai đoạn tiến hóa từ động vật ăn thịt sang ăn cỏ.
"Do đây là một trong những loài khủng long đầu tiên ăn cây cỏ nên chúng có thể là mắt xích giữa khủng long ăn thịt và khủng long ăn cỏ. Chiếc sọ của con khủng long chưa đến tuổi trưởng thành chứng tỏ Heterodontosaurus sống trong giai đoạn giữa của thời kỳ quá độ", Laura Porro, một nghiên cứu sinh Đại học Chicago (Mỹ), nhận định.
Laura vô tình tìm thấy chiếc sọ trong một bảo tàng ở thành phố Cape Town, Nam Phi trong khi thực hiện một nghiên cứu về hành vi ăn của loài Heterodontosaurus. "Ban đầu tôi không biết nó là loài gì. Chỉ sau khi ngắm nghía kỹ tôi mới dám khẳng định nó là một con khủng long. Người ta tìm thấy nó từ thập niên 60 của thế kỷ trước, nhưng không xác định được thuộc loài nào. Con khủng long này sống ở giai đoạn đầu trong kỷ Jura", bà nói thêm.
Những con khủng long đầu tiên xuất hiện trên trái đất khoảng 230 triệu năm trước và chúng ăn thịt. Mãi tới 40 triệu năm sau, những con khủng long ăn thực vật mới xuất hiện. Một con Heterodontosaurus trưởng thành có thể dài hơn 1 mét và nặng khoảng 2,5 kg. Sương sọ mà Laura tìm thấy thuộc về một con có trọng lượng khoảng 200 g và có chiều dài 32-35 cm.