Lần đầu tìm thấy bằng chứng trực tiếp về hiện tượng chớp trên sao Hoả
Các nhà nghiên cứu của Đại học Michigan cho biết, đây là lần đầu tiên tìm thấy bằng chứng trực tiếp về hiện tượng chớp trên sao Hoả. Dấu hiệu phóng điện trong suốt những trận bão bụi trên hành tinh đỏ này đã được ghi nhận.
Chris Ruf là giáo sư làm việc tại Khoa Khoa học hàng không, đại dương, khí quyển và Khoa học máy tính, kĩ thuật điện trường Đại học Michigan. Ông cho biết chớp trên sao Hoả thuộc dạng dry lightning (tạm dịch là chớp khan).
Ruf cho biết: “Những gì chúng tôi nhìn thấy trên sao Hoả là một chuỗi những lần phóng điện lớn và đột ngột, gây ra bởi một trận bão bụi có quy mô rộng. Rõ ràng không hề có mưa đi kèm với phóng điện ở sao Hoả.”
Hiện tượng phóng điện khi có bão bụi trên sao Hoả có ý nghĩa rất lớn đối với ngành khoa học nghiên cứu sao Hoả.
Nilton Renno, một giáo sư Đại học Michigan cho biết: “Hiện tượng này ảnh hưởng tới thành phần hoá học của khí quyển, khả năng tồn tại của sinh vật trên sao Hoả và các khâu chuẩn bị thám hiểm sao Hoả của con người. Thậm chí, hiện tượng này còn có thể hàm chỉ tới nguồn gốc sự sống, như đã từng được gợi ý bởi các thí nghiệm trong những năm 1950.”
Để phục vụ cho quan sát này, Phòng thí nghiệm nghiên cứu vật lý hàng không U-M đã phát triển một máy dò tách sóng vi ba (microwave detector). Thiết bị này có khả năng phân biệt giữa bức xạ nhiệt và bức xạ phi nhiệt. Nó đo đạc những bức xạ sóng ngắn từ sao Hoả năm giờ mỗi ngày, trong 12 ngày từ 22/5/2006 đến 16/6/2006.\
Ngày 8/6/2006, những bức xạ phi nhiệt và bão bụi cường độ mạnh cùng lúc diễn ra trên sao Hoả. Đây là lần đầu tiên bức xạ phi nhiệt được phát hiện. Bức xạ phi nhiệt gợi ý về sự có mặt của chớp.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét lại dữ liệu để xác định cường độ, thời gian kéo dài và tần suất của hoạt động phi nhiệt cũng như là khả năng có những nguồn năng lượng khác. Tuy nhiên, mỗi thử nghiệm đều đưa tới kết luận rằng bão bụi có thể là nguyên nhân của chớp khan (dry lightning).
Công trình này khẳng định những số liệu đo đạc địa chất từ tàu do thám Viking 1 và Viking 2 của NASA 30 năm trước. Đây là thách thức với thí nghiệm năm 2006 vì thí nghiệm năm 2006 đã đưa ra một gợi ý khác.
Dữ liệu từ hai tàu do thám Viking cũng đưa ra khả năng rằng bão bụi trên sao Hoả cũng giống như giông bão trên trái đất, và do đó, nó có thể làm phát sinh phản ứng hoá học. Tuy nhiên, không thể kiểm chứng được giả thuyết này. Năm 2006, sử dụng mô hình lý thuyết, các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu giấy ở trái đất, một nhóm các nhà khoa học cho biết không có bằng chứng trực tiếp nào chứng tỏ có chớp trên sao Hoả. Nghiên cứu mới này đã bác bỏ kết quả tìm được.
Michael Sanders, người sám sát văn phòng công nghệ và hệ thống thám hiểm tại Phòng thí nghiệm lực đẩy phản lực JPL, đồng tác giả của nghiên cứu này cho biết: “Sao Hoả đưa chúng ta đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Mỗi cái nhìn mới về hành tinh này đều đem đến cho chúng ta một khám phá mới mẻ.”
Kết quả mới này sẽ xuất hiện trên số sắp ra của tờ Geophysical Research Letters. Ngoài Ruf và Renno, các tác giả khác của U-M tham gia nghiên cứu này gồm có tiến sỹ Jasper Kok, nghiên cứu sinh Etienne Bandelier, kĩ sư nghiên cứu Steve Gross của Khoa Khoa học hàng không và đại dương, khí quyển Đại học Michigan.