Làng cổ hai nghìn năm ở vùng Đồng Tháp Mười
Cuộc khai quật làng cổ Lò Gạch ở xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An diễn ra từ cuối tháng 11 năm 2005.
Phó giáo sư Trịnh Sinh, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, các nhà nghiên cứu đã thu được là một lượng khá lớn hiện vật, phản ánh toàn bộ đời sống của một bộ phận cư dân cổ vùng Đồng Tháp Mười, gồm đồ gốm, những mảnh vỡ của đồ đựng, đồ đun nấu được ken chặt trong tầng văn hoá có độ dày lên đến hơn 1 mét. Ngoài ra còn có nhiều mảnh xương hươu nai, xương cá, các công cụ mũi nhọn được làm từ xương, sừng động vật, mảnh khuôn đúc lưỡi rìu đồng...
Cuộc khai quật cũng cho thấy một cảnh quan xưa gần giống hệt với ngày nay: chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi hệ thống sông ngòi châu thổ sông Cửu Long. Thích nghi với môi trường, người cổ đã chọn những gò nổi để cư trú - mà nói theo ngôn ngữ ngày nay là "sống chung với lũ" - chính mùa nước nổi mới là mùa thu hoạch của cư dân địa phương từ mấy ngàn năm cho đến tận ngày nay.
Khối lượng di vật đào được chứng tỏ người xưa dựa vào việc đánh bắt cá là chủ yếu. Song bên cạnh đó, họ cũng có cuộc sống định cư lâu dài với chứng tích của nghề làm gốm, với độ nung gốm khá cao, những công cụ làm gốm lớn như các kiểu dạng bàn đập gốm.
Người cổ còn chế tác vòng đá để trang sức và đã thành thạo một ngành kinh tế săn bắn những động vật lớn như hươu nai ở những cánh rừng quanh vùng. Sau khi ăn thịt, họ giữ lại các cặp sừng để cưa, mài làm đồ trang sức tinh xảo hoặc chế ra các loại công cụ mũi nhọn.
Phân tích kiểu dáng và hoa văn của đồ gốm, các nhà khoa học bước đầu nhận định gốm ở di chỉ Lò Gạch khá giống với gốm ở các di chỉ An Sơn, Gò Ô Chùa, Rạch Nổi... trong vùng. Những dấu ấn văn hoá này đã cho thấy đây là một trong những cội nguồn hình thành nền văn hoá Óc Eo nổi tiếng.
Cách đây gần một thế kỷ, khi khai quật di chỉ khảo cổ Óc Eo nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long có niên đại vài trăm năm sau công nguyên, với trình độ văn minh cao, nhiều đồ trang sức bằng thuỷ tinh và vàng đẹp đẽ, nhiều đồng tiền cổ chứng tỏ có sự giao lưu với nhiều quốc gia cổ đại trong vùng và cả thế giới phương Tây, học giả người Pháp Luis Malleret đã không hiểu nền văn minh này từ đâu đến.
"Nhờ những khám phá khảo cổ gần đây ở đồng bằng sông Cửu Long, với các di chỉ như Lò Gạch, chúng ta mới thấy được nền văn hoá nổi tiếng này có gốc là từ những văn hoá bản địa có niên đại sớm hơn vài trăm năm trước đó", ông Sinh nói.
Đợt khai quật này còn cho thấy một mối giao lưu văn hoá xa hơn - giữa vùng đất Tây Nam Bộ nước ta với các khu vực ven sông Mêkông ở Thái Lan và vùng thượng nguồn Vân Nam Trung Quốc vào khoảng thời gian cách đây hơn hai nghìn năm.