Lão nông đi đào khoai bỗng thấy mặt đất "chảy máu", sự thật là gì?

Chất lỏng màu đỏ bỗng xộc lên mùi tanh nồng nặc khiến người nông dân khiếp sợ.

Ngôi mộ của bố vợ Khương Tử Nha

Khảo cổ học sớm đã chỉ ra rằng vào thời cổ đại, vùng tây nam của tỉnh Sơn Tây là một trong những nơi khởi nguồn đầu tiên cho nền văn minh của người Trung Quốc xưa.Thế nên có không ít những di vật khảo cổ có giá trị được tìm thấy ở khu vực này.

Một ngày nọ, một lão nông ở huyện Thạch Lầu, tỉnh Sơn Tây Trung Quốc đang làm việc trên cánh đồng khoai thì thấy một chất lỏng màu đỏ hệt như máu rỉ ra từ đất sau khi vung mạnh cái cuốc trong tay xuống.

Gắn bó với nghề làm nông đã nửa đời người, ông lão chưa từng gặp phải trường hợp nào như này nên tò mò tiếp tục đào sâu xuống, kết quả là chất lỏng màu đỏ chảy ra ngày càng nhiều.

Càng đào sâu xuống, ông thấy chất lỏng màu đỏ chảy ra ngày càng nhiều. (Hình minh họa).

Ông cúi xuống ngửi, mùi tanh nồng nặc xộc lên, vì không kìm được trí tò mò mà đưa tay lên liếm thử, sau đó thì bụng ông cồn cào, đầu óc choáng váng nên hoảng sợ vội vã chạy về nhà để kể lại câu chuyện cho gia đình. Sau khi bàn bạc thì ông lão đã gọi điện báo cảnh sát.

Nhanh chóng có mặt và phong tỏa hiện trường, đội cảnh sát xác định chất lỏng màu đỏ đó không phải là máu mà là chu sa (loại khoáng vật cinnabarit của thủy ngân). Xét thấy bên dưới lòng đất chắc chắn còn ẩn chứa điều gì đó nên đội cảnh sát đã báo tin cho Cục Di tích Văn hoá để thực hiện khai quật.

Kết quả thực sự khiến đội khảo cổ vô cùng kinh ngạc và vui mừng bởi bên dưới lòng đất là một ngôi mộ cổ khổng lồ.


Những cổ vật được tìm thấy trong lăng mộ. (Hình ảnh: Baijiahao)

Theo các chuyên gia, đây là một ngôi mộ cổ có niên đại hơn 3000 năm từ thời nhà Thương. Trong đó có 13 chiếc chuông đồng, 7 chiếc kiềng đồng được sử dụng trong các lễ cúng tế thời xưa và 33 mảnh đồng được khai quật từ ngôi mộ.

Ban đầu vì không tìm thấy văn bia trong lăng nên việc xác định danh tính chủ nhân của ngôi mộ đối với đội chuyên gia là rất khó. Thế nhưng nhờ vào một di vật có hình thù khá giống con rồng mà danh tính chủ mộ đã được hé lộ.

Sau khi khảo sát và nghiên cứu, các chuyên gia khẳng định chủ nhân ngôi mộ là bố vợ của Khương Tử Nha (1128 TCN - 1015 TCN) - khai quốc công thần nhà Chu và là quân chủ khai lập nước Tề tồn tại từ thời Tây Chu đến thời Chiến Quốc.

Ly rượu của Khương Tử Nha

Bên trong lăng mộ bố vợ Khương Tử Nha có một món đồ là mang tên "Long hình quang". Đây chính là ly rượu đồng được sử dụng ở thời nhà Thương, có hình dáng rất độc đáo, cao 19cm, dài 43cm và rộng 13,4cm, phía trước của đầu rồng nhô lên, với cặp sừng mở rộng ra hướng ngoài. Phần bụng dài có hình vòng cung với chiếc đuôi cụt.

Họa tiết trang trí trên đó càng lạ mắt hơn, chạm trổ hoa văn cá sấu, thoạt nhìn trông giống như một chiếc thuyền rồng cập bến trên mặt nước.


Cận cảnh ly rượu mà Khương Tử Nha dùng. (Hình ảnh: Baidu)

Tương truyền, trong một buổi yến tiệc, vì thấy ly rượu mà Khương Tử Nha dùng có hình thù kỳ lạ nên Chu Văn vương vô cùng tò mò hỏi Khương Tử Nha về nguồn gốc của nó nhưng ông đều lảng tránh không trả lời.

Lúc sau vì Chu Văn vương tức giận nên Khương Tử Nha giải thích với vua rằng Trụ Vương vô nhân đạo "phát minh" ra một loại hình thức tra tấn dã man là ném người xuống hồ cá sấu để xem "kịch" hay.


Chân dung của Khương Tử Nha. (Hình ảnh: Wikipedia).

Cha vợ của Khương Tử Nha là một ẩn sĩ, ông đã dạy Khương Tử Nha đúc ly rượu hình con cá sấu này vừa để phản ánh sự tàn ác của Trụ Vương vừa để cầu siêu cho dân chúng. Khi bố vợ qua đời, Khương Tử Nha đã chôn ly rượu hình con cá sấu này cùng với bố vợ của mình.

Sau khi Khương Tử Nha giúp nhà Chu tiêu diệt nhà Thương, câu chuyện về cái ly rượu hình thuyền rồng này trở thành một giai thoại, lúc đó mọi người đều công nhận nó là thần khí của Khương Tử Nha.

Hiện nay ly rượu này đang được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Sơn Tây Trung Quốc. Những người hâm mộ "Phong Thần Bảng" thì chắc hẳn sẽ vô cùng thích thú khi được nhìn tận mắt thần khí của Khương Tử Nha.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất