Lắp đặt 10 trạm cảnh báo sóng thần tại Đà Nẵng

100 trạm cảnh báo sóng thần đầu tiên của Việt Nam do Viettel nghiên cứu, lắp đặt sẽ được xây dựng tại các tỉnh miền Trung trong thời gian tới.

Trước mắt, từ nay đến tháng 7.2011, Viettel sẽ lắp đặt 10 trạm cảnh báo sóng thần tại Đà Nẵng, nơi có nhiều khả năng phải chịu sự tác động của sóng thần.

Ông Đỗ Phong Doanh – Phó Giám đốc chi nhánh Viettel Đà Nẵng xác nhận thông tin trên và cho biết, với các trạm cảnh báo này, khi xuất hiện khả năng xảy ra sóng thần trên biển Đông, qua sóng vô tuyến, người dân miền Trung sẽ được cảnh báo trước 30 phút.


Vùng bờ biển Việt Nam có nhiều khả năng phải chịu sự tác động của sóng thần (Trong ảnh: Đường Nguyễn Tất Thành-Đà Nẵng bị cơn bão số 9 năm 2009 tàn phá nặng nề)

Dự phòng tình huống sóng thần xảy ra

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu về các thiên tai địa - vật lý (động đất, sóng thần) tại Việt Nam: vùng bờ biển Việt Nam có nhiều khả năng phải chịu sự tác động chủ yếu từ các vùng nguồn sóng thần nằm bên trong khu vực biển Đông.

Mối hiểm họa của nước ta là máng sâu Manila ở vùng biển phía tây Philippines. Máng sâu này gây ra những chấn tâm động đất rất mạnh và có khả năng phát sinh sóng thần lan qua biển Đông vào bờ biển miền Trung của Việt Nam. Theo đó, một đứt gãy dưới Biển Đông phía tây Philippines có thể gây ra động đất cấp 9 và sóng thần.

Chỉ trong vòng 2-3 tiếng, sóng thần có thể ập đến Việt Nam và vùng biển miền Trung có nguy cơ bị tàn phá nặng nề nhất.

Ở Việt Nam, theo tài liệu của Viện Vật lý địa cầu Quốc gia, năm 1904 sóng thần đã ập vào Thừa Thiên-Huế làm chết 724 người, tàn phá 22 ngàn ngôi nhà. Năm 1964, sóng thần cũng có “ghé” vào Đà Nẵng.

Trước những nguy cơ sóng thần có thể xảy ra ở VN, cuối năm 2009, Chính phủ đã đồng ý cho triển khai 25 kịch bản cảnh báo nguy cơ sóng thần. Theo đó, kịch bản 4, động đất ở đới đứt gãy Manila (Philippines) 8,6 độ Richter là phương án được chọn để quy hoạch xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội cũng như có các phương án di dân khi xảy ra sóng thần. Khi đó, gần như toàn bộ vùng ven biển Đà Nẵng bị ngập lụt từ 100 - 200m tính từ bờ biển vào với độ sâu cao nhất tới 3m.

30 phút ứng phó

Ông Doanh cho biết, Trong tháng 4 này, 2 điểm đầu tiên trong tổng số 10 trạm cảnh báo sóng thần sẽ được xây dựng tại đầu đường Hoàng Sa thuộc P. Mân Thái–Sơn Trà và tại Trung đoàn Thông tin 575 trên địa bàn Xuân Thiều–Hòa Hiệp Nam–Liên Chiểu.

Tại 2 điểm nói trên, sẽ có ăng-ten thu sóng cao nhất từ 30–35m. Bên cạnh đó còn có hệ thống còi hú, công suất lớn như thời chiến tranh. Sở dĩ phải lắp cao thế để thu sóng tốt hơn và hệ thống còi báo động xa hơn. “Ngay sau khi có nguy cơ sóng thần, các trạm này sẽ thu sóng, hệ thống còi sẽ báo động để người dân tắm biển, tàu bè, các gia đình ven biển biết, khẩn trương triển khai phương án phòng tránh”, ông Doanh nhấn mạnh.

Ông Doanh cũng cho biết thêm, nguyên tắc hoạt động của các trạm cảnh báo sóng thần dựa trên sóng vô tuyến. Tức là hệ thống đã được kết nối kỹ thuật với Viện Vật lý địa cầu Quốc gia- là đầu mối thông tin, có hệ thống cảnh báo sóng thần đồng thời có liên kết với hệ thống thông tin của các nước khác như Nhật, Mỹ để cập nhật tình hình động đất, dư chấn, sóng thần trên biển Đông.

Qua phân tích dữ liệu, cường độ nếu thực sự có nguy cơ sóng thần, hệ thống dường như ngay lập tức được báo động đến các địa phương ven biển. Người dân sẽ có 30 phút để xoay xở khi sóng thần ập vào.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất