Leo Szilard - thiên tài trong bóng tối
Leo Szilard là nhà khoa học thiên tài nhưng ít người biết tới. Những phát minh của ông có ảnh hưởng sâu sắc tới thế giới, như bom nguyên tử và cách chức một số bệnh ung thư bằng xạ trị.
- "Tủ lạnh xanh" của Einstein
- Những chuyện chưa kể về bộ não Einstein
Leo Szilard - nhà khoa học thiên tài
Leo Szilard (1898-1964) là một nhà vật lý học người Mỹ gốc Hungary. Ông là chủ nhân của bằng phát minh duy nhất về bom nguyên tử. Năm 1932, hạt nơtron được James Chadwick khám phá năm 1932. Ngay sau đó, Szilard phát minh và đăng ký sáng chế ý tưởng phản ứng hạt nhân dây chuyền dựa trên nơtron năm 1933.
Albert Einstein và Leo Szilard (phải) thảo luận về lá thư gửi tổng thống Mỹ Roosevelt. (Ảnh: OSTI)
Sáng chế này cũng mô tả hiện tượng nổ thu được từ phản ứng dây chuyền. Ông giữ nó trong vòng bí mật bằng cách nhượng lại phát minh cho Hải quân Hoàng gia Anh, vì sợ phát xít Đức biết.
Szilard đã thử thực hiện phản ứng hạt nhân dây chuyền với một số nguyên tố giàu nơtron nhưng không thành công. Tuy nhiên, ông không thử phân rã uranium. Việc này sau đó được Otto Hahn, phát xít Đức và đồng sự thực hiện thành công năm 1938, chỉ vài tháng trước khi Chiến tranh Thế giới II nổ ra.
Trong thời gian ở đại học, Szilard tham dự các khóa học của Albert Einstein. Chính Einstein là người hết mực ca ngợi luận án tiến sĩ của Szilard. Vào cuối những năm 1920, họ cùng nhau làm việc để phát triển tủ lạnh không có các thành phần chuyển động và cùng chia sẻ một số bằng sáng chế về lĩnh vực này.
Những tủ lạnh gia đình sử dụng công nghệ này thường được gọi là tủ lạnh Einstein-Szilard hoặc tủ lạnh Einstein. Chắc nhiều người sẽ thấy ngạc nhiên về việc Einstein có bằng sáng chế về tủ lạnh. Tuy nhiên, những tủ lạnh này không bao giờ thành công về mặt thương mại. Trong suốt cuộc đời của hai người, Einstein và Szilard là những người bạn tốt của nhau.
Sau khi hiện tượng phân rã hạt nhân được phát hiện năm 1938, Szilard là một trong những người đầu tiên nhận thức ra chế tạo vũ khí hạt nhân bây giờ đã là điều khả thi, và rằng phe Đồng minh cần phải chế tạo vũ khí nguyên tử trước khi phe Phát xít làm được.
Lúc này, Thế chiến II vừa bắt đầu. Để bày tỏ sự bức thiết của việc sớm chế tạo vũ khí hạt nhân, ông quyết định viết một lá thư cho tổng thống Franklin D Roosevelt. Nhưng Szilard biết mình không phải là người đủ nổi tiếng để lá thư được xem xét cẩn trọng. Ông không muốn lá thư bị thất lạc hoặc bị bỏ qua. Vì vậy, ông đã đề nghị Einstein cùng ký vào lá thư để gia tăng tầm quan trọng.
Lá thư này sau đó được chuyển tới tổng thống Roosevelt. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự ra đời của dự án Manhattan và bom nguyên tử. Nhưng thật không may, lá thư này sau đó được đông đảo dư luận coi là "lá thư của Einstein", mặc dù Szilard là người viết, còn Einstein chỉ là người ký. Trong bức ảnh ở trên, lá thư này được gọi là "lá thư Roosevelt". Thực ra, phải gọi nó là "lá thư Szilard-Einstein" mới đúng.
Szilard và Enrico Fermi, người phát minh ra lò hạt nhân, cùng triển khai dự án Manhattan. Fermi là một nhà vật lý người Ý, đã đạt giải Nobel vật lý năm 1938. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của họ trong dự án Manhattan là xây dựng minh chứng thực nghiệm cho phản ứng hạt nhân dây chuyền bền vững tại Chicago vào năm 1942. Đây chính là lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của thế giới.
Szilard và Niels Bohr, nhà vật lý học người Đan Mạch, cùng tham gia dự án Manhattan, mường tượng rằng bom hạt nhân sẽ là một phương tiện gìn giữ hòa bình thế giới, ngay cả trước khi một qủa bom hạt nhân thực sự được chế tạo.
Khi hai quốc gia đều có bom hạt nhân thì không nước nào có thể xâm lược được nước kia. Đây là khả năng chỉ bom hạt nhân mới có, và là giải pháp tốt nhất để ngăn ngừa chiến tranh.
Điều này giải thích vì sao Szilard, Bohr và nhiều nhà khoa học khác muốn chia sẻ công nghệ bom hạt nhân cho những nước khác, đặc biệt là Liên Xô. Nhiều nhà khoa học làm việc trong dự án bom hạt nhân cũng tin rằng đây là vũ khí siêu việt, tạo ra thế thống trị độc tài nếu chỉ có một quốc gia sở hữu nó.
Nếu công nghệ này không được chia sẻ, Szilard và Bohr tiên đoán chiến tranh lạnh và chạy đua vũ trang hạt nhân sẽ xảy ra như hệ quả tất yếu. Lịch sử chứng minh họ đã đúng.
Bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nagasaki, Nhật Bản năm 1945. (Ảnh: Wikipedia)
Szilard muốn bom hạt nhân chỉ được sử dụng với mục đích răn đe, ngăn chặn. Nhưng khi biết quân đội muốn đánh bom Nhật Bản, ông đã tranh cãi nảy lửa với tướng Leslie Groves, là sếp của Julius Robert Oppenheimer, chủ nhiệm dự án Manhattan. Oppenheimer lúc đó là giáo sư vật lý đại học California Bekerley.
Khi Szilard nổi giận và quát mắng Groves, ông này loại Szilard ra khỏi dự án Manhattan và muốn bỏ tù Szilard. Ông thoát khỏi án tù vì được nhiều nhà khoa học đang làm việc trong dự án Manhattan ủng hộ.
Szilard viết một bức thư nữa cho tổng thống Roosevelt, giải thích không nên đánh bom Nhật Bản. Nhưng tổng thống đã chết vài ngày trước khi bức thư tới nơi. Sau đó Szilard cố gắng liên lạc với tổng thống Truman, nhưng thư của ông không bao giờ tới được Truman, hoặc đã tới nhưng bị bỏ qua.
Sau khi hai quả bom được ném xuống Nhật Bản, Szilard rời bỏ ngành vật lý hạt nhân và bắt đầu làm việc trong lĩnh vực sinh học phân tử.
Về sau, ông được chẩn đoán là bị ung thư bàng quang và các bác sĩ dự đoán ông khó qua khỏi. Sử dụng kiến thức về nguyên tố phóng xạ và sinh học, Szilard đã phát minh ra phương pháp chiếu xạ tế bào ung thư bằng bức xạ tia gamma từ đồng vị Cobalt 60.
Các bác sĩ cảnh báo ông sẽ chết vì nhiễm xạ, nhưng ngược lại, ông đã qua khỏi. Szilard tự chữa cho mình khỏi ung thư và bình phục hoàn toàn. Phương pháp trị liệu bằng phóng xạ này từ đó được sử dụng trong y học để chữa một số bệnh ung thư.
Mặc dù tên tuổi của Szilard ít được công chúng biết tới, nhưng nhiều người trong giới lịch sử khoa học và vật lý hạt nhân biết rõ về ông. Có một miệng núi lửa trên Mặt Trăng mang tên ông, nhưng đó là miệng núi lửa ở phía xa của mặt trăng, con người không bao giờ nhìn thấy được từ Trái Đất. Ông cũng được vinh danh trong danh sách những nhà phát minh của Mỹ năm 1996.
Có một chi tiết thú vị là trong loạt tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Old Man's War của tác giả John Scalzi (đạt giải Hugo cho tiểu thuyết hay nhất năm 2006), các quân nhân thuộc lực lượng đặc biệt đều mang tên của các nhà khoa học lừng danh như Einstein, Pasteur, Dirac, Fermi, Sagan... Trong đó, đại tướng của những người lính này có tên Szilard.
Leo Szilard và cuốn sách tựa đề "Một kế hoạch cho hòa bình". (Ảnh: MotleyTech)
Trong số các đồng nghiệp của Szilard, nhiều người đã đạt giải Nobel hoặc xứng đáng đạt giải Nobel. Nhiều người trong số họ đánh giá rằng ông là người lỗi lạc, có tư duy độc lập và sáng tạo xuất chúng. Eugene Wigner (giải Nobel năm 1963) đã viết rằng, nếu chỉ cần đến các ý tưởng thì Szilard đã một mình thực hiện toàn bộ dự án Manhattan.
Szilard là nhân vật trung tâm của quả bom nguyên tử đầu tiên. Ông chính là cha đẻ của bom nguyên tử, và luôn nhìn nhận rằng bom nguyên tử là vũ khí để gìn giữ hòa bình chứ không phải là vũ khí để hủy diệt. Bom nguyên tử mang lại cân bằng cho thế giới, là phương tiện để ngăn ngừa mọi cuộc chiến tranh, như ông mơ từ những ngày đầu thế giới chưa có bom nguyên tử.
Không phải ngẫu nhiên mà không có cuộc chiến tranh lớn nào xảy ra giữa các quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử. Điều đó không phải bởi thế giới đại đồng, mọi quốc gia đều anh em bằng hữu. Mà đó là vì nỗi sợ hãi một cuộc chiến tranh nguyên tử tổng thể, hủy diệt hoàn toàn những quốc gia này.
Leo Szilard chính là người đã bài trừ những cuộc xung đột lớn và chiến tranh thế giới, phát minh ra các nhà máy năng lượng hạt nhân, và trên hết đã phát minh ra một phương pháp trị một số bệnh ung thư. Trên thế giới này chỉ có một số ít người có tầm ảnh hưởng lớn như thế. Nhưng, thật buồn là có rất ít người biết đến ông.