Lịch sử của đèn Flash - từ thuốc nổ cho đến điốt phát quang

Bắt đầu từ khởi điểm của ngành nhiếp ảnh, các nhiếp ảnh gia đã tự tạo ra nguồn sáng nhân tạo để khiến cho bức hình đủ sáng và đẹp như ý muốn bằng nhiều cách khác nhau.

Lịch sử ra đời của đèn Flash

Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi từ sự nguyên sơ của flash - bột nổ cho đến sự hiện đại của công nghệ Điốt phát quang (LED).

1. Bột nổ

Chắc hẳn bạn đọc đã từng thấy cảnh nhiếp ảnh gia trong những bộ phim trắng đen hồi xưa cầm một cái khay và nó phát nổ khi họ chụp hình, tạo nên một tiếng động lớn và ánh sáng chói loà. Kỹ thuật chụp ảnh với flash này đốt cháy chất hoá học để tạo ra nguồn sáng nhân tạo, giúp bức ảnh đủ sáng.

Bột nổ bao gồm bột kim loại (magiê hoặc nhôm) và chất oxi hoá (thường là clorát) trộn với nhau. Khi hỗn hợp này cháy, nó tạo ra nguồn sáng mạnh trong một khoảng thời gian rất ngắn. Trước khi được sử dụng cho nhiếp ảnh, bột nổ thường được dùng trên sân khấu kịch nghệ và trong pháo hoa.

Tuy nhiên, việc kích nổ thủ công là một việc hết sức nguy hiểm, nó có thể khiến cho nhiếp ảnh gia bị thương nếu không cẩn thận. Do đó, một giải pháp an toàn hơn đã được phát minh vào năm 1899.

2. Đèn flash dùng bột nổ

Nhà phát minh Joshua Lionel Cowen và nhiếp ảnh gia Paul Boyer đã trình làng một giải pháp an toàn hơn bột nổ vào cuối thế kỉ 20. Đèn flash này có một cái rãnh để giữ bột nổ, được kích nổ bằng điện từ một viên pin khô.

Đèn này được kích hoạt bằng nút chụp của máy ảnh, giúp cho nguồn sáng được phát ra đúng thời điểm cửa trập mở. Ngoài ra, nó có thể được gắn lên tripod và kích hoạt cùng lúc nhiều đèn để tạo ra ánh sáng như ý muốn.
Mặc dù phát minh này an toàn hơn so với dùng bột nổ trực tiếp, nhưng nó vẫn nguy hiểm nếu so sánh với tiêu chuẩn an toàn hiện nay. Nhiều nhiếp ảnh gia thời xưa bị thương, thậm chí là tử vong, khi dùng loại đèn này. May thay, một phát minh khác đã xoá tan đi nỗi lo sợ bấy lâu của các nhiếp ảnh gia.

3. Đèn flash bầu

Vào năm 1927, tập đoàn General Electric đã sản xuất những chiếc đèn flash bầu đầu tiên. Thay vì đốt bột nổ ở ngoài không khí, đèn flash bầu tạo ra nguồn sáng bằng cách kích điện dây tóc làm bằng magiê và chứa khí oxi trong bóng. Nguyên thuỷ thì bóng đèn làm bằng thuỷ tinh nhưng sau đó được thay bằng nhựa vì bóng thuỷ tinh dễ bị vỡ do áp xuất trong đèn.

Trớ trêu thay, một rắc rối không nhỏ là đèn flash bầu quá mỏng manh dễ vỡ và chỉ sử dụng được một lần. Hơn nữa, nó thường gây bỏng nếu không cẩn thận sau khi được sử dụng.

Dù thế, đèn flash bầu có một điểm rất thú vị là nó cần một khoảng thời gian kể từ khi được kích hoạt để đạt được độ sáng tối đa và thời gian sáng của nó dài hơn nhiều so với đèn flash ngày nay. Các nhiếp ảnh gia thời xưa thường kích hoạt flash trước, sau đó mới bấm nút chụp để hình ảnh được đúng sáng.

4. Đèn flash dạng khối

Việc phải thay flash mỗi lần chụp một bức hình thực sự gây khó chịu các nhiếp ảnh gia. Cho nên công ty Kodak đã trình làng flash dạng khối vuông có chứa 4 bóng flash dùng một lần vào những năm 1960. Cách thức hoạt động của loại flash này giống với flash bầu, nhưng tiện hơn ở chỗ chụp xong bóng flash này thì có thể xoay khối flash để sử dụng bóng flash khác. Rất nhiều cải tiến và nâng cấp cho dạng flash này được ra mắt vì tính tiện lợi của nó.

5. Đèn flash điện tử

Dù tiện lợi đến mấy với flash dạng khối, đèn flash mà các nhiếp ảnh gia thời đó thực sự cần là một chiếc đèn flash có thể sử dụng được nhiều lần mà không cần phải thay. Harold Egerton - giáo sư ngành điện - đã nghiên cứu và cho ra đời đèn flash điện tử vào cuối thế kỉ thứ 19.

Đèn flash điện tử sử dụng một tụ điện để lưu điện. Khi kích hoạt, năng lượng từ tụ điện chuyển qua một bóng flash thuỷ tinh chứa khí ga trong môi trường chân không, tạo ra một nguồn sáng mạnh trong thời gian ngắn. Những ưu điểm vượt trội như tốc độ đồng bộ flash xuất sắc, sử dụng được nhiều lần, độ bền vượt trội, thời gian sạc đèn ngắn đã khiến bóng flash dùng sợi tóc đi vào dĩ vãng.

Hiện nay, sự ưu việt của flash điện tử đã khiến chúng ta dùng nó ở bất cứ đâu, từ trong studio cho đến ngoại cảnh. Bóng flash điện đại thường chứa khí xenon và có độ bền rất cao so với loại flash điện tử trong quá khứ.

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, đèn flash hiện nay đã có thể đánh cùng lúc với nhau mà không nhất thiết phải kết nối với máy ảnh bằng dây. Hơn thế nữa, flash tốc độ cao hiện nay còn có thể đánh sáng mạnh trong thời gian cực ngắn, giúp các nhiếp ảnh gia làm chủ được ánh sáng tốt hơn.

6. Đèn flash LED

Trừ khi bạn đang sở hữu Nokia 1020, thì hầu hết các smartphone khác đều sử dụng đèn flash dùng công nghệ LED. Flash LED không mạnh như flash xenon, nhưng lại tiêu thụ rất ít điện năng và kích thước cực nhỏ - hoàn toàn phù hợp cho các smartphone hiện nay. Các công ty lớn như Apple, HTC, Nokia đã phát triển flash LED 2 màu trên điện thoại để giúp chụp da người đúng màu hơn.

Và đó là toàn bộ lịch sử của đèn flash, từ bột nổ cho đến công nghệ LED.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất