Lịch sử hình thành hầm trú ẩn thảm họa hạt nhân

Hầm trú ẩn hạt nhân là gì? Nó có lịch sử ra sao, và chúng đã thay đổi như thế nào qua từng thời kỳ? Mời bài cùng xem bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết.

Tất cả bắt đầu tại Nhật Bản vào những năm 1940, ngay sau hai vụ ném bom hạt nhân tại Hiroshima và Nagasaki, với hình ảnh hibakusha (những người Nhật sống sót sau trận bom) và các thành phố chỉ còn lại đống tro tàn xuất hiện trên các mặt báo. Kể từ thời điểm đó, văn hóa đại chúng của Nhật luôn bị ám ảnh bởi bom hạt nhân, từ genbaku bungaku (văn chương về thảm họa hạt nhân) đến Godzilla (1954), hay thành công trên toàn cầu của những siêu phẩm anime như Akira (1988) và những tác phẩm của Studio Ghibli.

Mỗi dân tộc có phản ứng văn hóa khác nhau đối với bom. Tại Mỹ, Ủy ban Phòng thủ Dân sự Liên bang (FCDA), thành lập năm 1951, đặt ra sứ mệnh trấn an người Mỹ rằng nêu thực sự có một quả bom hạt nhân được thả xuống, họ hoàn toàn có khả năng sống sót. Trong suốt một thập kỷ, cơ quan này đã làm đủ mọi cách để xoa dịu sự lo lắng của công chúng trước khả năng Mỹ - Nga đánh trả hạt nhân thông qua nhiều chiến dịch giáo dục cộng đồng, hướng dẫn cách tránh bom trong trường học, cùng nhiều hoạt động khác.


Hầm trú ẩn hạt nhân.

Gần nửa tỷ sổ tay mà FCDA phát hành miêu tả những gia đình người Mỹ núp trong hầm trú bom, tạo nên một hình ảnh điển hình trong trí óc người Mỹ mỗi khi mở đầu câu chuyện về chiến tranh hạt nhân. Những gia đình da trắng trung lưu sống ở vùng ngoại ô này thường được minh họa đang chất đầy hầm trú bom của họ bằng những hộp thức ăn công nghiệp, hoặc nắm tay con trẻ bước xuống đường hầm, với niềm tin mãnh liệt vào lời hứa của chính phủ: chỉ cần gia đình bên nhau, chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, và sẵn sàng theo hiệu lệnh, thì sẽ có thể sống sót trong cuộc chiến tranh sắp tới. Tất nhiên, thông điệp này chủ yếu mang tính chính trị, đồng thời là một cách để chính phủ Mỹ lúc bấy giờ đề cao những ý tưởng truyền thống về giá trị của hôn nhân và gia đình.

Hơn nữa, hướng dẫn sinh tồn nêu trên còn gián tiếp đẩy trách nhiệm khỏi nhà nước. Đặt trách nhiệm lên mỗi cá nhân giúp nước Mỹ giảm bớt gánh nặng tài chính, và khiến chính sách ứng phó với chiến tranh hạt nhân của họ trở nên hấp dẫn hơn - nhưng với sự phát triển của bom hydro và việc phát hiện ra một vụ nổ bom hạt nhân có thể gây ra ung thư và các bệnh về tim mạch, đến những năm 1960, thế hệ người Mỹ đầu tiên lớn lên dưới bóng ma hạt nhân đã bắt đầu nghi ngờ về thứ gọi là “chiến thắng” nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra.

Đó cũng là lúc phong trào phản đối bom hạt nhân diễn ra, và cùng với nó, hình ảnh những gia đình dìu nhau vào hầm trú ẩn hạt nhân vốn nổi tiếng trong văn hóa đại chúng nay trở nên đầy huyễn hoặc. Trong tập phim năm 1961 của The Twilight Zone, một buổi tiệc tối tĩnh lặng biến thành một cuộc ẩu đả kinh hoàng khi những cư dân vùng ngoại ô tranh nhau lối vào hầm trú duy nhất trong thị trấn. Trước Khủng hoảng Tên lửa Cuba, chương trình Saturday Review ghi lại một buổi họp tại tòa thị chính Hartford, Connecticut, mà sau đó đã trở nên hỗn loạn bởi một thành viên trong cộng đồng đe dọa bắn bất kỳ ai tiến lại gần hầm trú của riêng anh ta.

Hình ảnh những hầm trú ẩn hạt nhân tiếp tục có sự thay đổi, phản ánh thái độ của mọi người trước những biến động của thời kỳ Chiến tranh lạnh. Khi Việt Nam trở thành cái tên được nhắc đến với tần suất dày đặc trên các tờ báo vào cuối thập niên 1960 và 1970, người ta gần như đã không còn nhắc đến những hầm trú ẩn hạt nhân gia đình nữa. Nhưng một thế hệ sau đó, khi Ronald Reagan đắc cử Tổng thống Mỹ, bóng ma chiến tranh hạt nhân lại một lần nữa xuất hiện.


Hình ảnh những hầm trú ẩn hạt nhân tiếp tục có sự thay đổi theo thời gian.

Những hầm trú ẩn hạt nhân tái xuất hiện - dù hình ảnh những gia đình thập niên 1950 sống vui vẻ dưới hầm ngầm đã trở thành một tàn tích của quá khứ xa xưa. Vào thập niên 1980, khi số lượng đầu đạn hạt nhân toàn cầu đạt hơn 50.000, văn hóa thị giác xoay quanh các hầm trú ẩn cũng ngày một ảm đạm hơn. Với phong trào phản đối hạt nhân tăng cao, hình ảnh hầm trú ẩn trông không khác gì những thành lũy vô vọng cuối cùng trong một thế giới mà hi vọng là thứ xa xỉ.

Tại Anh, nơi NATO tích trữ tên lửa hành trình vào năm 1979, các nhà làm phim đã cho ra hai sản phẩm đáng chú ý kể về những gia đình sống dưới boong-ke chờ đợi ngày tàn của thế giới. Bộ phim hoạt hình tên When the Wind Blows (1986) kể về một cặp vợ chồng già, Jim và Hilda Bloggs, sống ở làng Cotsworlds sau khi một vụ tấn công hạt nhân khiến Anh trở thành bình địa phóng xạ. Trước đó là phim tài liệu Threads (1984) nói về sự kinh hoàng của chiến tranh nhiệt hạch ở Sheffil và khiến cả một thế hệ chìm trong sang chấn tâm lý.

Đoạn kết của Chiến tranh lạnh cũng biến hầm trú ẩn hạt nhân trở thành một di tích lịch sử, rồi sau đó là trung tâm của trào lưu hoài cổ, thể hiện qua những bộ phim như Blast From the Past (1999), “I Love Lucy”, “The Honeymooners”, hay tựa game “Fullout” (1997).

Những sự kiện gần đây đã đưa hình ảnh những hầm trú ẩn hạt nhân quay trở lại. Rất khó để dự đoán chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chỉ một điều chắc chắn là hình ảnh những hầm trú kia vẫn có khả năng khiến chúng ta giật mình e ngại. Liệu điều đó có khuyến khích thế hệ ngày nay chung tay tạo nên một thế giới mới, nơi mà những hầm trú ẩn hạt nhân một lần nữa trở nên vô hại hay không?

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất