Lộ diện loài quái thú đầu tam giác 113 triệu tuổi ở Nhật Bản

17 mảnh xương hóa thạch được khai quật ở Tây Nam Nhật Bản đã giúp xác định một loài quái thú hoàn toàn mới, là họ hàng của tam giác long Triceratops.

Theo Sci-News, các nhà khoa học đã đặt tên cho loài quái thú mới là Sasayamagnomus saegusai.

Các mảnh xương của nó đã được nhà địa chất nghiệp dư Kiyoshi Adachi tìm thấy từ hệ tầng Ohyamashimo ở phía Tây Nam Nhật Bản.


Quái thú Sasayamagnomus saegusai từ Nhật Bản - (Ảnh: Kanon Tanaka).

Tổng cộng có 17 mảnh hóa thạch được khai quật, phần lớn thuộc về một cá thể duy nhất. Chúng được nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Tomonori Tanaka, nhà cổ sinh vật học từ Đại học Hyogo (Nhật Bản), phân tích.

Kết quả kiểm tra cho thấy con quái thú này còn chưa trưởng thành hoàn toàn và là một con khủng long nhỏ, cao chỉ 0,8 m, nặng 10 kg.

Nó đã lang thang trên hành tinh của chúng ta khoảng 113-100 triệu năm trước, tức vào thế Phấn Trắng sớm của kỷ Phấn Trắng.

Điều đặc biệt nhất trong vẻ ngoài của con quái thú có lẽ là chiếc đầu hình tam giác kỳ lạ, cùng nhiều điểm độc đáo khác biệt với mọi loài khủng long sừng đã biết.

Kết quả cho thấy chúng thuộc về họ Ceratopsidae, một dòng dõi khủng long có thành viên nổi tiếng nhất là tam giác long Triceratops.

Sasayamagnomus saegusai có quan hệ họ hàng gần với các loài khủng long sừng nguyên thủy ở Bắc Mỹ, cho thấy nhóm khủng long này ban đầu có nguồn gốc từ châu Á, sau đó một số loài di cư đến Bắc Mỹ khoảng 110 triệu năm trước.

Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Papers in Palaeontology, vào thời kỳ này, phần phía đông của lục địa Á - Âu và Bắc Mỹ được nối với nhau bằng "cây cầu đất" Bering, bắc qua biển Bering ngày nay, cho phép động vật di cư giữa hai nơi.

Ngoài ra, hiện tượng nóng lên toàn cầu nghiêm trọng vào thời điểm đó đã dẫn đến những khu rừng rộng lớn ở vùng Bắc Cực.

Sự hội tụ của hai sự kiện này có thể đã tạo điều kiện cho sự mở rộng của khủng long sừng cũng như nhiều nhóm khủng long khác nữa từ châu Á đến Bắc Mỹ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất