Lỗ hổng tầng Ozone đang thu hẹp nhưng sẽ cần 60 năm nữa để phục hồi hoàn toàn

Theo một nhóm các nhà khoa học Mỹ, lỗ hổng tầng Ozone đang dần thu hẹp lại trông thấy nhờ những nỗ lực giảm khí CFC thải vào bầu khí quyền.

Dựa vào dữ liệu đo lường của NASA và vệ tinh Aura từ năm 2004, nhà khoa học Susan Strahan và các đồng nghiệp thuộc Trung tâm Không gian Goddard của NASA tại Greenbelt, Maryland đã tìm thấy bằng chứng cho thấy lỗ hổng tầng Ozone đang dần thu hẹp và tiến tới khả năng hồi phục hoàn toàn trong tương lai.


Tầng Ozone đã phục hồi thêm khoảng 20% so với năm 2005.

Theo trang Zmescience, tầng Ozone đã phục hồi thêm khoảng 20% so với năm 2005 nhờ những nỗ lực giảm đáng kể chất CFC trong bầu khí quyển. Trung bình, mức khí Clo đang giảm 0,8% mỗi năm. Trước đó, 2005 là năm đầu tiên tiến hành đo lượng Clo và tầng Ozone thông qua vệ tinh Aura.

Năm 2017, NASA dẫn nghiên cứu mới nhất chỉ ra, lỗ hổng đã đạt mức nhỏ nhất kể từ năm 1988 với kích thước tối đa chỉ còn 19,6 triệu km2.


Dữ liệu vệ tinh tính tới tháng 9/2017 cho thấy lỗ hổng đang dần thu hẹp theo thời gian.

Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Strahan khẳng định: "Chúng tôi đang thấy một điều rất rõ ràng, lượng khí Clo từ CFC trong lỗ hổng tầng Ozone đang giảm xuống và tình trạng suy giảm tầng Ozone đang dần được cải thiện nhờ điều đó".

Đây là tin tốt nhưng để phục hồi hoàn toàn tầng Ozone, chúng ta sẽ phải mất nhiều thập kỷ tới. Anne Douglas, đồng tác giả nghiên cứu tiết lộ: "CFC có tuổi thọ từ 50-100 năm vì vậy chúng có thể tồn tại trong bầu khí quyền trong một thời gian rất dài. Cho tới khi lỗ hổng tầng Ozone biến mất, chúng ta sẽ phải chờ đến năm 2060 hoặc 2080".

Lỗ hổng tầng Ozone đang thu hẹp nhưng sẽ cần 60 năm nữa để phục hồi hoàn toàn
Mặc dù đã hình thành từ trước đó vài năm nhưng phải tới năm 1985, lỗ hổng mới lần đầu tiên được phát hiện tại Nam Bán Cầu.

Trong những năm 1970-1980, các hóa chất công nghiệp đặc biệt như chloro-flurocarbons (CFC) thường được sử dụng trong ngành công nghiệp điện lạnh đã phá hủy nghiêm trọng tầng Ozone, một lớp bảo vệ nằm ở tầng bình lưu giúp hấp thụ tia cực tím và ngăn tổn thương da cho con người. Lỗ hổng trầm trọng tới mức tạo nên một vùng khí quyển không có Ozone tại Nam Cực.

Nhận thức được những nguy hiểm trầm trọng trên, rất nhiều quốc gia và các công ty đã cùng nhau ký kết nghị định thư Montreal 1987, cam kết cắt giảm và tiến tới xóa sổ CFC khỏi ngành công nghiệp nhằm cứu tầng Ozone.

Tuy nhiên, ngay cả khi nhân loại đang vui mừng với việc lỗ hổng tầng Ozone dần thu hẹp thì vẫn có những mối lo khác không thể ngó lơ, đó chính là biến đổi khí hậu.

Tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến thất thường. Tần suất những cơn bão nhiệt đới trái mùa tại Thái Bình Dương, đợt nắng nóng gay gắt bất thường tại Úc hay hiện tượng bom bão tuyết khủng khiếp đang hoành hành tại Bắc Mỹ đang ngày càng xảy ra nhiều hơn.

Tuy nhiên, đó chỉ mới là biểu hiện ban đầu của những hiện tượng cực đoan sẽ xuất hiện trong tương lai nếu con người không kịp có những biện pháp giảm thiểu tác động và cứu lấy Trái đất.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất