Loài bọ cạp phun axit khiến kẻ thù bỏ chạy, Việt Nam có đầy!
Phân bố ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới khắp thế giới, bộ Bọ cạp roi (Uropygi) gồm những loài bọ cạp có ngoại hình độc đáo và đặc điểm sinh học thú vị.
Có chiều dài đầu và thân có thể đạt tới 85 mm khi trưởng thành, những con bọ cạp này nhìn khá giống bọ cạp thực sự, nhưng sở hữu một chiếc đuôi mảnh giống như cái roi.
Bọ cạp roi có cặp càng lớn giống bọ cạp nhưng có thêm một gai lớn trên đầu mỗi càng.
Trong 8 cặp chân, bọ cạp roi chỉ sử dụng sáu chân để di chuyển, còn hai chân đầu tiên là cơ quan cảm giác giống như râu. Chúng có cặp càng lớn giống bọ cạp nhưng có thêm một gai lớn trên đầu mỗi càng. Bọ cạp roi quan sát sự vật bằng một cặp mắt ở phía trước và ba mắt ở mỗi bên đầu. Đặc điểm này tương tự như những loài bọ cạp thường gặp.
Không có tuyến nọc độc và ngòi chích như bọ cạp thật, nhưng bọ cạp roi lại có các tuyến gần phía sau bụng có thể phun ra loại dung dịch là sự kết hợp giữa axit axetic và axit caprylic khi bị đe dọa. Thành phần axit axetic làm cho chất lỏng chúng xịt ra có mùi giống như giấm, dẫn đến cái tên gọi phổ biến khác là bọ cạp giấm.
Bộ phận "roi" của loài vật này là một phần kéo dài của bộ xương ngoài bụng, chỉ có vai trò như một cơ quan xúc giác, không có ngòi châm như lầm tưởng của nhiều người.
Loại bọ cạp này sở hữu một chiếc đuôi mảnh giống như cái roi.
Là loài ăn thịt, bọ cạp roi săn mồi về đêm. Chúng chủ yếu ăn côn trùng, cuốn chiếu, bọ cạp nhỏ và các loài nhiều chân sống trên cạn. Đôi khi cũng ăn giun, sên và động vật có xương sống nhỏ hơn. Tập tính sinh sản của bọ cạp roi tương tự bọ cạp thường.
Con cái đẻ khoảng 40 trứng. Trứng nở trong túi trứng dưới bụng bọ cạp mẹ, trở thành con non màu trắng, leo lên lưng mẹ và bám vào đó. Bọ cạp non phát triển chậm, trải qua bốn lần lột xác trong khoảng bốn năm trước khi trưởng thành. Chúng có thể sống thêm đến bốn năm nữa.
Trong tự nhiên, bọ cạp roi thích những nơi ẩm ướt và tối tăm, chúng thường đào hang trú ẩn hoặc chui xuống các khúc gỗ mục, đá và các mảnh vụn tự nhiên khác. Việt Nam là nơi sinh sống của một số loài bọ cạp roi thuộc chi Thelyphonus. Chúng phổ biến ở khu vực Nam Bộ, có thể gặp cả ở TP HCM. Đây là loài không nguy hiểm với con người và có ích trong việc kiểm soát số lượng côn trùng có hại.
- Các loài côn trùng nguy hiểm nhất thế giới
- Video: Bọ cạp gió lao vào ăn thua với rết độc, trận chiến sinh tử có kết quả ra sao?
- Nuôi bọ cạp đen làm cảnh là thú chơi nguy hiểm