Loài bướm với đôi cánh trong suốt này sẽ có ngày cứu lấy đôi mắt của chúng ta
Thế giới có hàng vạn loài bướm, mỗi loài có một đặc điểm, màu sắc khác nhau.
Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ đến một con bướm có bộ cánh trong suốt chưa? Có một loài như vậy đó! Nó tên là bướm thuỷ tinh đuôi dài, với đôi cánh trong suốt kỳ lạ.
Sự độc đáo của loài bướm này nằm ở phần giao giữa cánh và cơ thể.
Thứ tạo nên độ trong của đôi cánh là hệ thống mô được sắp xếp theo cấu trúc hình vòm, thành từng mảng họa tiết. Cách sắp xếp này cho phép ánh sáng đi thẳng qua thay vì phản xạ lại.
Nhưng như vậy là chưa đủ. Sự độc đáo của loài bướm này nằm ở phần giao giữa cánh và cơ thể, với cấu trúc nano nhỏ nằm cách xa nhau. Sự sắp xếp này giúp phân tán ánh sáng theo mọi hướng, bất kể ánh sáng chiếu từ hướng nào.
Và chính cấu trúc này giờ đây có thể tạo ra một bước đột phá trong y học, mà cụ thể là ngành nhãn khoa.
Các kỹ sư đã học hỏi và bắt chước các cấu trúc mô nano của cánh bướm trong cấy ghép mắt ở người mắc bệnh tăng nhãn áp.
Cấu trúc cánh bướm có thể tạo ra một bước đột phá trong ngành nhãn khoa.
Hyuck Choo, Kỹ sư điện và y tế tại Viện Công nghệ California ở Pasadena chia sẻ: "Có những thời điểm áp lực trong nhãn cầu rất cao".
"Những người mắc bệnh tăng nhãn áp có thể phải theo dõi áp lực mắt 24 giờ liên tục để có thể chuẩn đoán chính xác".
Choo và nhóm của ông đã tiến hành thí nghiệm áp dụng các mô nano vào mắt của loài thỏ. Các mô cấy ghép lấy cảm hứng từ bướm có độ chính xác cao gấp ba lần so với các màng phẳng bình thường.
Nhờ vậy, áp lực được kiểm tra dễ dàng hơn. Bằng cách tán xạ ánh sáng giống như cánh bướm, mô cấy này sẽ tăng chất dịch lỏng trong mắt, qua đó giúp mắt người bệnh hoạt động tốt hơn.
Bộ cấy ghép này có thể sẵn sàng để thử nghiệm ở người trong ba năm tới.
Choo và các cộng sự của ông cũng đã điều chỉnh hình dạng của các cấu trúc nano để kéo dài tuổi thọ sử dụng cho bộ cấy ghép. Khi cơ thể cảm nhận một vật thể lạ, nó sẽ phát triển lớp mô tế bào để nối chặt các mô cấy ghép với cơ thể.
Tuy nhiên, cấu trúc nano của bộ cấy ghép có hình dạng đủ nhọn để đâm thủng các tế bào xung quanh, gây hại cho mắt - Radwanul Hasan Siddique, -một thành viên khác của nhóm nghiên cứu cho biết. Vì thế, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một bề mặt hơi thô thay vì một bề mặt nhẵn cho bộ cấy ghép.
Kết quả cho thấy, sau 1 tháng, mắt của thỏ phát triển bình thường.
Được biết, bộ cấy ghép này có thể sẵn sàng để thử nghiệm ở người trong ba năm tới. Có thể nói, đây là một bước đột phá lớn trong điều trị các chứng bệnh về mắt, đồng thời cũng là minh chứng cho thấy con người có thể học hỏi rất nhiều từ thiên nhiên.
Tăng nhãn áp là bệnh làm tổn thương dây thần kinh thị giác, suy giảm thị lực, có thể gây mù lòa. Nguyên nhân là do áp lực dịch kính trong nhãn cầu tăng cao, hủy hoại các tế bào thần kinh thị giác. |