Loài cá mập nhỏ nhất thế giới, nằm gọn lỏn trên tay người

Cá mập đèn lồng lùn là loài cá mập nhỏ nhất trên thế giới, dài tối đa chưa tới 30cm.

Các đại dương trên thế giới và một số hồ có rất nhiều loài cá mập, từ cá mập trắng lớn nổi tiếng đến cá mập đầu búa, cá mập bò đến những loài cá mập có kích thước trung bình và cuối cùng là loài cá mập nhỏ nhất: cá mập đèn lồng lùn.


Cá mập đèn lồng lùn dài chưa tới 30cm - (Ảnh: Chip Clark).

Cá mập đèn lồng lùn (Etmopterus perryi) là loài cá mập đèn lồng hiếm và rất khó bắt của chi Etmopterus. Chúng chỉ được biết đến qua một vài lần nhìn thấy hoặc tình cờ bắt được ở ngoài khơi vùng biển Nam Mỹ.

Theo trang IFLScience, quần thể cá mập đèn lồng lùn sống ở trung tây Đại Tây Dương ở độ sâu từ 283 - 439m.

Vì khó bắt hay nhìn thấy nên trước đây người ta cho rằng loài cá mập này có thể đạt kích thước tối đa là 21,2cm. Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2021 đã bắt được 153 con cá mập đèn lồng lùn để điều tra về cấu trúc quần thể của chúng. Trong số này có một con dài tới 28,9cm.

Đầu của cá mập đèn lồng lùn dài khoảng 1/4 đến 1/5 toàn bộ chiều dài cơ thể và miệng của chúng có hơn 60 chiếc răng sắc nhọn. Loài cá mập này có đôi mắt rất to, được cho là để tối đa hóa lượng ánh sáng ít ỏi có trong môi trường tối tăm của đại dương.

Chúng có màu nâu sẫm với những vệt đen trên da. Một số vệt này được tạo thành từ các tế bào phát sáng nhằm tạo ra ánh sáng để thu hút những con mồi nhỏ hơn chúng.

Như bao loài cá mập khác, cá mập đèn lồng lùn đẻ trứng và sẽ nuôi dưỡng trứng trong cơ thể cho đến khi trứng nở, và con non chỉ dài 6cm.

Sách đỏ IUCN liệt kê cá mập đèn lồng lùn vào loài "ít lo ngại", mức thấp nhất trong thang nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, mối nguy hiểm cấp bách nhất đối với loài này là thiếu thông tin chính xác về hệ sinh thái của chúng và các tàu đánh cá.

"Một nghiên cứu về tàu kéo lưới năm 2009 ngoài khơi vùng biển Colombia phát hiện loài cá mập đèn lồng lùn có mặt trong 39% số tàu kéo nhưng chỉ chiếm hơn 1% về số lượng và sinh khối", theo IUCN.

Ngược lại với cá mập đèn lồng lùn, loài cá mập lớn nhất thế giới là cá mập voi (Rhincodon typus) với chiều dài cơ thể có thể lên đến 18m. Đây cũng là động vật ăn tạp lớn nhất thế giới.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất