Loài cá quen thuộc này đã đẩy "quái thú" Megalodon tới bờ tuyệt chủng
Bằng cách quan sát sự khác biệt về tỷ lệ kẽm giữa các quần thể Otodus (megalodon) và Carcharodon (cá mập trắng), các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân có thể đã khiến megalodon đến với tuyệt chủng.
Không thể phủ nhận rằng megalodon (Otodus megalodon) là một trong những loài động vật ăn thịt lớn nhất và hung dữ nhất từng sinh sống… Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng về một loài động vật ăn thịt vẫn còn sống cho đến ngày nay, đã làm đe dọa sự tồn tại của quái thú hùng mạnh này. Đó chính là cá mập trắng (Carcharodon carcharias).
Quái vật megalodon có thể đã tuyệt chủng do bị cá mập trắng chiếm mất môi trường sống, và nguồn thức ăn.
Một nghiên cứu cách đây không lâu từng cho thấy hai loài động vật này có thể đã từng sinh sống ở cùng thời kỳ, và cá mập trắng thậm chí có thể đã đóng một vai trò quan trọng trong sự suy giảm số lượng của loài megalodon bằng cách chiếm lấy môi trường sống và săn cùng một loại thức ăn với "quái thú".
Giờ đây, một nghiên cứu khác sử dụng số liệu dựa trên tỷ lệ đồng vị của kẽm trong răng của động vật cũng đã khẳng định điều tương tự. Theo đó, cá mập trắng được khẳng định chính là nguyên nhân đã khiến megalodon đến với bờ vực tuyệt chủng.
"Dấu hiệu về tỷ lệ kẽm trong chế độ ăn uống được bảo tồn trong men răng cá mập hóa thạch là những ghi nhận chính xác về mức độ dinh dưỡng của từng loài", Jeremy McCormack, nhà khoa học thuộc Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck ở Đức cho biết. "Bằng cách quan sát sự khác biệt về tỷ lệ kẽm giữa các quần thể Otodus và Carcharodon, chúng tôi nhận thấy sự thay đổi về chế độ ăn uống của chúng trong suốt một giai đoạn dài".
Theo McCormack, đây có thể chính là "chìa khóa" nắm giữ manh mối về sự tuyệt chủng của loài quái vật khổng lồ này.
Megalodon được công nhận là một trong những loài động vật ăn thịt lớn nhất và hung dữ nhất từng sinh sống trên Trái đất.
Được biết, hai loài cá ăn mồi đã có một giai đoạn có cùng một mức độ dinh dưỡng trung bình tương tự, cụ thể là trong thời kỳ đầu của kỷ Pliocen (cách đây từ 5,33 triệu đến 2,58 triệu năm). Tuy nhiên theo thời gian, tỷ lệ này vẫn còn được duy trì ở loài cá mập trắng còn Megalodon thì không. Điều này cho thấy sự xuất hiện của việc cạnh tranh nguồn thức ăn và môi trường sống đã xảy ra vô cùng mạnh mẽ.
Rốt cuộc là megalodon, sống từ 23 triệu năm trước, đã tuyệt chủng cách đây khoảng 3,6 triệu năm, vào giữa kỷ Pliocen.
Dẫu vậy, cá mập trắng dường như chỉ là một trong số nhiều nguyên nhân dẫn tới sự tuyệt chủng của megalodon. Các nhà nghiên cứu cho biết nhiều yếu tố khác như biến đổi khí hậu dẫn đến nâng mức nhiệt, hay sự suy giảm của quần thể con mồi cũng có thể là những nguyên nhân khiến megalodon không kịp thích nghi, dẫn tới chết hàng loạt.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Communications vào ngày 31/5/2022.
- Khóa học khắc nghiệt nhất trong môi trường quân đội Mỹ, nơi sản sinh ra các "Aquaman" ngoài đời thực
- Cá mập sống sót qua thảm họa tuyệt chủng như thế nào?
- Sự thật về loài cá mập khổng lồ thống trị biển sâu hơn 20 triệu năm