Loài hoa hồi sinh từ hạt giống 32.000 năm tuổi
Các nhà khoa học đang tìm cách giải mã một loài hoa cổ đại để hiểu tại sao hạt giống của nó có thể "ngủ đông" hàng chục nghìn năm.
Nhiều năm trước, các nhà thám hiểm người Nga đã tìm thấy một kho hạt giống
32.000 năm tuổi của một loài hoa có tên khoa học là Silene stenophylla bị chôn vùi dưới một hang sóc ở độ sâu 20 - 40m gần bờ sông Kolyma ở Siberia, bên trong lớp băng vĩnh cửu.
Cây mọc từ hạt giống 32.000 năm tuổi ra hoa hôm 30/6 trong phòng thí nghiệm. (Ảnh: CGTN).
Nhóm nghiên cứu từ Viện Hàn lâm Khoa học Nga sau đó trích xuất các mô giá noãn từ hạt đông lạnh và nuôi chúng với một hỗn hợp gồm nhiều chất dinh dưỡng khác nhau. Trong điều kiện nhiệt độ và ánh sáng được kiểm soát, các mô đã nảy mầm, mọc rễ và phát triển thành cây bên trong môi trường nhà kính.
Tại Đại học Khoa học Tự nhiên và Khoa học Đời sống Vienna của Áo, Giáo sư Margit Laimer cùng các cộng sự đang tìm cách sắp xếp bộ gene và giải mã trình tự ADN của loài thực vật cổ đại này. Họ muốn tìm hiểu xem bộ gene của nó có gì đặc biệt và các thành phần của bộ gene phối hợp với nhau như thế nào. Mục đích cuối cùng là tìm ra các điều kiện cho phép hạt giống ngủ đông trong hàng chục nghìn năm.
Các nhà khoa học Áo đang tìm cách giải mã bộ gene của Silene stenophylla. (Ảnh: CGTN).
"Cây cối cũng thay đổi và thích nghi theo môi trường. Chúng tôi hy vọng có thể tìm ra những thay đổi trong bộ gene giúp thực vật thích nghi với điều kiện rất khô, rất lạnh, hoặc rất nóng. Sử dụng những kiến thức này, chúng ta có thể tìm ra phương pháp cải tiến các giống cây", Laimer cho hay.
Silene stenophylla được phân loại thuộc họ Cẩm chướng. Loài thực vật có hoa màu trắng này mọc ở vùng lãnh nguyên Bắc Cực và vùng núi phía bắc Nhật Bản. Chúng chỉ cao từ 5 đến 15 cm, có lá hẹp và đài hoa lớn.
- Cây ăn quả La Mã cổ đại được nuôi trồng từ những hạt giống 2.000 năm tuổi
- Đập Tam Hiệp - Kiệt tác hay thảm họa lơ lửng trên đầu?
- Hàng trăm con voi gục chết bí ẩn, thảm họa chưa từng thấy khiến các nhà khoa học hoảng loạn