Loài khỉ đột lớn nhất thế giới đứng bên bờ tuyệt chủng

Khỉ đột miền Đông - loài linh trưởng lớn nhất thế giới hiện còn tồn tại - vừa bị liệt vào danh sách động vật đang bên bờ vực tuyệt chủng do nạn săn bắt trái phép và nội chiến tại các quốc gia châu Phi.

Theo báo cáo được công bố tại hội nghị toàn cầu của Liên đoàn quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN), diễn ra tại Honolulu, Hawaii, với 5.000 con khỉ đột miền Đông (tên khoa học: Gorilla beringei) hiện có trên toàn thế giới, loài linh trưởng này đang đối mặt với nguy cơ biến mất hoàn toàn.

Các nhà khoa học chỉ rõ trong số sáu loài khỉ lớn trên thế giới, thì có bốn loài đang bên bờ vực tuyệt chủng, gồm khỉ đột miền Đông, khỉ đột miền Tây, đười ươi Bornean Orangutan và đười ươi Sumatran Orangutan.


Nạn săn bắt trái phép ở châu Phi đã đẩy loài khỉ đột miền Đông đến bờ vực tuyệt chủng.

Tinh tinh và tinh tinh lùn bonobo cũng có tên trong danh sách có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Trong 20 năm qua, số lượng khỉ đột miền Đông đã giảm tới 70%. Khỉ đột đồng bằng - một trong hai phân loài của khỉ đột miền Đông, giảm mạnh về số lượng, từ 16.900 con hồi năm 1994 xuống còn 3.800 vào năm 2015.

Trong khi đó, khỉ đột núi - một phân loài khác của loài linh trưởng này - cũng giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 880 con.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, theo IUCN, là do chiến tranh, nạn săn bắt ồ ạt, thiếu không gian sống và các hoạt động khai thác khoáng sản.

Theo nhà nghiên cứu linh trưởng Russell Mittermeier, chủ tịch nhóm chuyên gia về linh trưởng của IUNC, tại Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi tập trung phần lớn khỉ đột miền Đông, việc bảo tồn loài linh trưởng này gặp nhiều khó khăn do tình hình chính trị bất ổn.

Các nhà khoa học còn cho rằng việc nhiều người Rwanda chạy tị nạn sang nước láng giềng Cộng hòa Dân chủ Congo để chạy trốn nạn diệt chủng Rwanda hồi năm 1994 đã khởi nguồn cho loạt hoạt động ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống tự nhiên của loài linh trưởng lớn nhất hành tinh này.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất