Loài kiến đặc biệt biết trồng cây để làm tổ trên đảo Fiji

Trên những cành cây um tùm ở đảo Fiji, loài kiến Philidris nagasau đang thực hiện những công việc nhà nông đáng kinh ngạc.

Chúng thu thập hạt giống của loài cây ra quả Squamellaria và trồng trên những chạc và cành cây kín đáo. Khi loài cây này bám rễ và bắt đầu phát triển, kiến sẽ bò vào trong những cuống non và bón phân cho cây. Sau đó mới là điều thú vị. Khi quả lớn dần, kiến sẽ bò vào trong, đào những đường hầm và khoảng trống bên trong phần thịt mềm của quả. Khi tổ kiến lớn lên, nó có thể bao gồm hàng chục quả, trông như những khối u kỳ lạ dính vào các cành cây.


Loài kiến Philidris nagasau. (ảnh: GMANetwork.com).


Tổ kiến trên thân cây Squamellaria.

Mặc dù từ lâu các nhà khoa học đã biết rằng các tổ kiến có thể sống bên trong trái cây, một nghiên cứu mới của Nature Plants cho thấy kiểu "làm nhà" này phức tạp và cổ xưa hơn nhiều so với hiểu biết của chúng ta.

Các nhà sinh vật học của ĐH Munich đã tới đảo Fiji để quan sát đàn kiến và thấy rằng chúng sống trong 6 loài cây Squamellaria, vốn chỉ có ở đảo Fiji. Loài cây này sống ở trên vỏ của những cây khác bằng hệ thống rễ độc đáo. Khi cây còn nhỏ, kiến sẽ đào một lỗ nhỏ (domatium) trên cuống để bón phân cho cây. Chúng bón như thế nào? Các nhà khoa học mới chỉ có thể phóng đoán rằng có lẽ chúng dùng chính chất thải của kiến.


Đàn kiến làm tổ bên trong cây Squamellaria. (ảnh: Derrick J. Rowe).


Lũ kiến sẽ tiếp tục cung cấp phân bón ngay cả sau khi cây đã trưởng thành, và ngược lại, cây mang đến quả ngọt và chỗ trú ẩn.(ảnh: Nature Plants)

Khi cây lớn, cái lỗ nhỏ phồng lên như một khối u to. Khi cây ra hạt, kiến sẽ lại tiếp tục đem trồng và canh giữ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy kiến sẽ chỉ lấy hạt từ một loài Squamelleria mà chúng thích. Tổ kiến mà họ quan sát phát triển rộng lớn trên 25 cây.

Lũ kiến sẽ tiếp tục cung cấp phân bón ngay cả sau khi cây đã trưởng thành, và ngược lại, cây mang đến quả ngọt và chỗ trú ẩn. Đây là một kiểu quan hệ cộng sinh đúng nghĩa giữa 2 loài. Theo quan sát, không có con kiến nào sống ngoài cây Squamelleria, và không có loài Squamelleria nào được kiến ưa thích mà lại phát triển không có kiến. Các nhà nghiên cứu cho rằng 2 loài đã cộng sinh từ hàng triệu năm nay.


Kiến cắt lá. (Ảnh: Mark Bowler/Science Source).

Loài kiến Philidris nagasau không phải là loài kiến duy nhất biết làm nông nghiệp. Kiến cắt lá cũng trồng nấm ở dưới đất để làm thức ăn cho ấu trùng, còn kiến bạc Argentine thì nuôi rệp vừng ở trong cây để thu lấy dịch ngọt. Điều khác biệt là kiến Philidris nagasau tồn tại hoàn toàn phụ thuộc vào loại cây chúng trồng, và cây Squamelleria cũng hoàn toàn dựa vào kiến để phát triển. Quả là có rất nhiều điều thú vị mà con người có thể học từ loài kiến nhỏ bé.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất