Loài nhện có thể “nghe” thấy tiếng con người

Tuy nhiên, nghiên cứu này không khiến chúng ta phải lo sợ trước việc loài nhện có đang nghe lén chúng ta hay không, đó thực sự chỉ là một cách để loài nhện tự vệ và phát hiện con mồi mà thôi.

Theo Science Alert đưa tin, một nghiên cứu mới đây từ các nhà khoa học Mỹ tiết lộ, loài nhện có thể nghe và cảm nhận thấy bạn đang phát ra âm thanh từ một khoảng cách xa tới 5 mét.

"Đáng ngạc nhiên rằng, chúng tôi đã phát hiện thấy chúng có một cảm giác âm thanh rất chính xác. Chúng có thể nghe được âm thanh từ khoảng cách xa hơn so với suy nghĩ trước đây, mặc dù chúng không có màng nhĩ", trưởng nhóm nghiên cứu Paul Shamble đến từ ĐH. Cornell, Mỹ cho biết.

Loài nhện không có màng nhĩ, điều đó là chính xác. Tuy nhiên nhện đã sử dụng những tuyến lông nhạy cảm trên đôi chân của chúng để phát hiện tiếng động.


Loài nhện không có màng nhĩ.

Mặc dù trước đó, nhiều nghiên cứu cho biết, phần lông ở chân nhện rất nhạy cảm với các rung động trong không khí, chẳng hạn như sóng âm. Tuy nhiên chưa có nhà khoa học nào nghĩ rằng, nhện có thể chuyển các sóng âm, rung động tới hệ thần kinh và tiến hành phân giải các tín hiệu đó. Nói cách khác, loài nhện không chỉ có thể nhận biết rung động mà chúng còn có thể cảm nhận được chính xác âm thanh đó.

Nghiên cứu này được thực hiện trên loài nhện nhảy Mỹ, Phidippus audax, và phát hiện đặc biệt quan trọng này cũng chỉ được tình cờ tìm ra trong một thí nghiệm tương tự khác.

Shamble và các đồng sự đã rất vất vả ghi chép lại mọi thay đổi trong mạng lưới thần kinh não bộ của loài nhện nhằm phát hiện chúng xử lý thông tin thị giác như thế nào.


Loài nhện không chỉ có thể nhận biết rung động mà chúng còn có thể cảm nhận được chính xác âm thanh đó.

Một ngày nọ, khi đồng sự Gil Menda đang thiết lập thí nghiệm và bắt đầu ghi chép tại vùng não bộ sâu hơn hơn của nhện. Khi ông di chuyển xa khỏi con nhện, chiếc ghế bỗng rít lên do ma sát với sàn. Ngay lập tức phản ứng từ các nơ-ron thần kinh của nhện bất ngờ kích hoạt loa thông báo. Những lần lặp lại sau đó, nhóm nghiên cứu lại nhận được một thông báo tương tự cho biết rằng, các nơ-ron thần kinh đang bị kích thích.

Chưa khỏi ngỡ ngàng, Menda tiếp tục di chuyển xa hơn và khi lên tới khoảng cách 5 mét, con nhện thí nghiệm vẫn tiếp tục tạo ra các phản hồi nhất định với âm thanh phát ra.

Để tìm ra chính xác loài nhện "nghe" như thế nào, nhóm nghiên cứu đã đặt những giọt nước lên đôi chân của con nhện với mục đích chặn cảm nhận âm thanh của chúng. Kết quả cho thấy, những tế bào thần kinh thính giác trong não bộ của nhện ngừng phản hồi ngay lập tức.


Nhện nhạy cảm nhất với các tần số âm thanh thấp (khoảng 80-130Hz).

Thí nghiệm cũng xác nhận thêm rằng, mặc dù nhiều loài nhện có thể phản ứng với tiếng vỗ tay nhưng chúng vẫn nhạy cảm nhất với các tần số âm thanh thấp (khoảng 80-130Hz). Đó là tần số đập cánh của loài ong bắp cày, sát thủ hàng đầu của loài nhện nhảy và cũng là tần số phát ra của những người có giọng nam trầm.

Chia sẻ với trang The Guardian, Shamble cho biết: "Chúng có thể biết bạn đang nói chuyện trong một căn phòng nào đó, nhưng chúng chắc chắn không thể nào nghe (và hiểu) được bạn đang nói gì". Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục thử nghiệm thên trên các loài nhện khác như nhện sói và nhện cá.

Được biết nghiên cứu rên đã được công bố trên tạp chí Current Biology mới đây. Nếu nghiên cứu sớm được kiểm chứng, đây có thể là một phát hiện thú vị và rất mới về loài nhện mà bấy lâu nay chúng ta chưa hề hay biết.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất