Loài rùa quý hiếm ở Việt Nam: Không rụt được cổ nhưng có thể trèo cây phăm phăm
Một loài rùa có vẻ ngoài khác biệt với nhiều loài rùa khác, chúng thường sống ở khu vực nước chảy chậm và ăn các loài giáp xác, giun...
Rùa đầu to (danh pháp khoa học: Platysternon megacephalum) là một loài rùa sống ở vùng núi tại một số nước Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanma, Campuchia và ở Trung Quốc.
Một số đặc điểm về loài rùa đầu to
Khác với nhiều loài rùa khác, chúng không thể rụt cổ vào trong mai để tự vệ (bù lại đầu rùa có mảnh sừng rất cứng cũng như có xương sọ dày và đặc), hơn nữa loài rùa này còn có khả năng leo trèo rất giỏi.
Rùa đầu to. Ảnh: Picssr.
Phần mai dày có màu vàng hoặc nâu, hình chữ nhật, rùa đầu to có móng nhọn chắc khỏe cùng chiếc đuôi dài chiếm một trọng lượng đáng kể trong toàn bộ trọng lượng cơ thể. Sự khác biệt vẻ ngoài giữa con cái và đực là không đáng kể ngoài trừ vỏ con đực có xu hướng lõm hơn con cái.
Platysternon megacephalum. Nguồn: Naeff Cold Blooded.
Ban ngày loài rùa này ẩn mình bên dưới các tảng đá ở khe suối, nơi có dòng chảy chậm và phơi nắng trên bờ suối. Chúng chỉ đi kiếm ăn vào chập tối hay ban đêm, với thức ăn chủ yếu là các động vật không xương sống hay động vật thân mềm, giun đất, giáp xác nhỏ.
Rùa đầu to có ở Việt Nam. Ảnh: ESF.
Môi trường nước ưa thích của rùa đầu to là khu vực có nhiệt độ từ 12 đến 17 độ C. Phần đầu to, hình tam giác và có mỏ cứng, quặp như mỏ vẹt nên loài rùa này còn được gọi là rùa mỏ vẹt, vết cắn của chúng có thể gây ra những vết thương nghiêm trọng.
Một con rùa đầu to khi trưởng thành sẽ có kích thước mai khoảng hơn 20cm (tổng cơ thể là 40 cm). Mỗi lứa, loài rùa này chỉ đẻ 1 đến 2 trứng vào mùa hè (trứng giống với trứng chim, có chiều dài từ 22 đến 37 mm,
Tình trạng nguy cấp của loài rùa đầu to
Thịt rùa đầu to là món ăn rất được ưa thích ở Trung Quốc, ngoài ra chúng còn được mua bán làm thú cưng (theo Kirkpatrick, D. 1995. The Big-headed Turtle, Platysternon megacephalum. Reptile & Amphibian Magazine).
Móng vuốt sắc nhọn của rùa đầu to. Ảnh: Ken Chan.
Tại nước ta, số lượng loài này đang suy giảm nghiêm trọng do rừng nguyên sinh mất dần (ít gặp chúng trong các khu rừng thứ sinh), do tập tính sinh sản nên số lượng của chúng cũng rất hạn chế (ước tính trong 10 năm trở lại đây, tốc độ suy giảm trên 50%).
Do đó, rùa đầu to có tên trong Sách đỏ động vật Việt Nam (phần động vật, trang 252), với mức độ đe dọa hạng R và được Chương trình bảo tồn rùa ở Vườn quốc gia Cúc Phương nỗ lực bảo vệ, cấm tuyệt đối săn bắt, buôn bán loài rùa này.