Loài thú nào lặn sâu nhất hành tinh?
Cá voi mõm khoằm Cuvier có thể lặn sâu tới gần 3.000m trong điều kiện thiếu oxy, gấp khoảng 32 lần chiều cao của Tượng Nữ thần Tự do.
Các loài thú biển hay động vật có vú biển như cá voi, hải cẩu, cần cơ thể cấu tạo đặc biệt để lặn xuống dưới những con sóng và chịu được áp lực khủng khiếp của vùng biển sâu, trong khi không có oxy trong một khoảng thời gian tương đối dài. Nguyên nhân là khác với cá, động vật có vú chỉ có thể lấy oxy bằng cách hít thở không khí trên bề mặt đại dương.
Cá voi mõm khoằm Cuvier là loài động vật có vú với những lần lặn sâu nhất từng được ghi nhận. (Ảnh: HeitiPaves/Getty)
"Với bất cứ sinh vật nào hít thở không khí sau đó lại kiếm ăn dưới biển sâu, có sự khác biệt lớn mà hầu hết các loài động vật không phải đối mặt. Một tài nguyên sống còn của chúng, không khí, ở chỗ này và tài nguyên sống còn khác, thức ăn, lại ở chỗ khác", Nicola Quick, nhà khoa học biển tại Đại học Duke, nói.
Kẻ giữ danh hiệu loài thú lặn sâu nhất thế giới nhiều khả năng thuộc về cá voi mõm khoằm Cuvier (Ziphius cavirostris), loài cá voi kích thước trung bình sống ở vùng ôn đới và nhiệt đới. Năm 2010, các nhà nghiên cứu bắt đầu gắn thiết bị theo dõi vệ tinh cho những cá thể ngoài khơi California, Mỹ, để ghi lại chuyển động của chúng và phát hiện khả năng lặn đáng kinh ngạc.
Một trong 8 con cá voi được gắn thẻ đã lặn xuống sâu 2.992m, gấp khoảng 32 lần chiều cao của Tượng Nữ thần Tự do. Thêm vào đó, cá voi có thể lặn rất lâu. Nhóm chuyên gia ghi nhận một cá thể ở dưới nước tới hơn hai tiếng.
Năm 2020, Quick cùng đồng nghiệp ghi nhận một kỷ lục mới sau khi quan sát một con cá voi mõm khoằm Cuvier ở dưới nước suốt 3 tiếng 42 phút. Chuyến lặn này đã bị loại khỏi kết quả nghiên cứu chính thức vì xảy ra sau khi tiếp xúc với sonar (công nghệ định vị dưới nước bằng sóng âm), thứ có thể ảnh hưởng đến hành vi của cá voi. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia cũng lưu ý rằng chuyến lặn dài như vậy có thể mới là giới hạn thực sự trong hành vi lặn của loài vật này.
Nghiên cứu của Quick liệt kê ba yếu tố giúp cá voi thực hiện những chuyến lặn ấn tượng như vậy.
- Đầu tiên, máu của chúng có nồng độ các protein myoglobin và hemoglobin cao, cho phép dự trữ nhiều oxy. Cá voi cũng có thể giới hạn lượng máu chảy đến các bộ phận ở phía ngoài cơ thể nhằm đảm bảo các cơ quan quan trọng nhận đủ oxy.
- Thứ hai, cá voi cần trao đổi chất chậm để không dùng hết oxy quá nhanh. Để tiết kiệm năng lượng, chúng sử dụng động tác lướt khá nhiều trong lúc bơi.
- Cuối cùng, cá voi cần một biện pháp để chống chọi với sự đau đớn khi axit lactic tích tụ trong cơ bắp khi bơi, dù Quick chưa rõ chúng làm điều này bằng cách nào.
Các loài thú lặn sâu cũng phải chịu được áp suất ở độ sâu hàng nghìn mét dưới nước. Thứ khó duy trì độ mở nhất trong điều kiện áp suất cao là phổi, vì phổi là những túi khí dễ bị đè bẹp dưới áp suất lớn. Nhưng các loài thú lặn có khả năng trải phẳng phổi để giảm vùng không gian cho không khí mà chúng phải duy trì độ mở.
Các nhà khoa học tin rằng cá voi mõm khoằm Cuvier lặn để kiếm ăn nhưng không rõ chính xác chúng ăn những gì ở vùng biển sâu như vậy. Một nghiên cứu năm 2017 cho rằng con mồi chủ yếu là mực.
Ngoài cá voi mõm khoằm Cuvier, một số loài thú biển khác cũng có thể lặn rất sâu. Ví dụ, hải tượng phương Nam (Mirounga leonina) lặn sâu khoảng 2.000m, tương đương cá nhà táng (Physeter macrocephalus).
- Kỳ lạ "mì chính nhà giàu", từng chẳng ai thèm đến tranh nhau mua
- Vì sao tổ của hầu hết loài chim đều hướng lên trời?
- Vì sao sau khi nhận được ân sủng của Hoàng đế, phi tần đi đứng đều cần cung nữ dìu tay?