Loài trai sọc vằn bé nhỏ nhưng có sức phá hoại lớn

Quỳ gối bên rìa bến tàu, Wen Baldwin kéo sợi dây thừng bằng nilon nằm dưới hồ Mead. Lần lượt những vật thể kì lạ hiện ra từ mặt nước xanh màu lục bảo: một chai nước, một mẩu bê tông, một đôi tông và một cái mỏ neo bằng thép. Tất cả những thứ đó đều bị một lớp những con trai nhỏ sọc vằn bao phủ dày đặc.

Ông Baldwin 70 tuổi – kĩ sư thiết kế đã nghỉ hưu đồng thời là tình nguyện viên tại công viên quốc gia – cho biết: “Môi trường ở đây rất lý tưởng cho loài trai”.

Đống đổ nát phủ đầy trai là bằng chứng không thể nhầm lẫn về một sự kiện đang xảy ra thầm lặng với quy mô to lớn ngoài tầm mắt chúng ta – sự kiện thực dân hóa sông Colorado do loài trai lừa vằn thực hiện – loài động vật hai mảnh vỏ lai Á Âu có kích cỡ chỉ bằng móng tay với định hướng phát triển giới tính đáng kinh ngạc cùng danh tiếng phá hoại nền kinh tế cũng như hệ sinh thái.

Giống như loài trai ngựa vằn họ hàng, loài trai lừa vằn có thể bám rất chặt vào các bề mặt cứng ví dụ như các thiết bị của nhà máy thủy điện cung cấp nước dọc hạ lưu sông Colorado.

Gary L. Fahnenstiel – nhà sinh thái làm việc với Phòng thí nghiệm nghiên cứu môi trường Hồ Lớn thuộc Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương quốc gia – cho biết: “Chúng sẽ bám vào tất cả các đường ống và tất cả các điểm lấy nước vào. Chúng có sức phá hoại khủng khiếp”.

Trai lừa vằn đã phủ kín Hồ Lớn, nhanh chóng thay thế trai ngựa vằn. Cuộc xâm lược của nó trên sông Colorado, diễn ra sau khi vượt miền núi trên những chiếc du thuyền nằm trên xe moóc, dự đoán trước sự tàn phá nặng nề không chỉ với các ngành phục vụ công cộng mà còn đối với cả toàn bộ hệ sinh thái vùng hạ lưu sông.

Bằng cách vắt cạn chất dinh dưỡng và các vi sinh vật trong nước, chúng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đối với rất nhiều loài, trong đó bao gồm các loài không xương sống nhỏ, cá và chim. Tiến sĩ Fahnenstiel nói rằng: “Chúng rất nguy hiểm. Trường hợp xấu nhất xảy ra chính là hủy hoại toàn bộ chuỗi thức ăn”.

Việc loài trai lừa vằn đến Colorado hầu như không gây ngạc nhiên. Trong gần 10 năm, hậu quả hủy diệt thảm khốc vẫn thường được cảnh báo nếu trai lừa vằn vượt sang miền tây.

Năm 1998, một nhóm có tên Thế chủ động kinh tuyến thứ 100 tập hợp các nhà sinh học, chuyên viên động vật hoang dã, các nhà quản lý nguồn nước, nhà sinh thái học cùng những người khác với mục tiêu ngăn cản loài xâm lược vượt qua kinh tuyến thứ 100 – ranh giới lịch sử chia cắt miền đông và tây nước Mỹ. Trong suốt 7 năm nay, ông Baldwin là người quản lý hồ Mead trong nhóm.

Năm 2001, ông Balwin – lúc đó là chủ tịch Hiệp hội chủ thuyền tại hồ Mead – đã nghe được bài thuyết trình của một nhà sinh học về việc ngăn chặn loài trai ngựa vằn. Chúng xâm lược Hồ Lớn từ Ucraina từ những năm 1980, nhanh chóng tràn đến các con sông chính và trên 800 hồ nước khác.

Ông Baldwin đã vận động quan chức Khu giải trí quốc gia hồ Mead tiến hành thêm nhiều hình thức kiểm tra đối với du thuyền vốn mang các loài trai trong những chiếc máy bơm ở đáy tàu cũng như khoang cá. Ông phân phát các tờ quảng cáo và tuyên truyền rộng rãi về nguy cơ. “Tôi bắt đầu tìm kiếm và thực hiện một số chương trình, cố gắng kêu gọi mọi người quan tâm. Một số người thì có. Nhưng đa phần thì không”.

Ông thậm chí còn xây dựng các trạm quản lý trên bến tàu quanh hồ, nhưng không phát hiện được điều gì cả. Tuy nhiên vào tháng 1 năm 2007, ông Baldwin nhận được một cuộc điện thoại từ một công nhân bảo dưỡng nói rằng anh ta đã trông thấy một con trai trông đáng ngờ bám vào sợi dây thép dưới bến tàu hồ Lớn. Đó là trai lừa vằn. Cuộc điều tra sau đó nhanh chóng phát hiện ra cả một đế chế cư ngụ trong hồ, ở khu vực sâu hơn nhiều so với trai ngựa vằn. “Chúng tôi đang trong quá trình kiểm soát trai ngựa vằn nhưng loài trai lừa vằn lại lẩn quất ngay bên dưới”.

Tại hồ Mead – hồ chứa nước hẹp nhưng sâu dài hàng trăm dặm được tạo nên nhờ đập Hoover, trai lừa vằn đã xuất hiện và dần chiếm vị trí ưu thế.

Kent Turner – trưởng ban quản lý tài nguyên các dịch vụ công viên trong khu giải trí – cho biết: “Trong vòng một năm tìm hiểu, chúng tôi nhận ra chúng có mặt khắp hồ với số lượng cực kì lớn”. Công cuộc kiểm tra đáy hồ phát hiện mật độ trai lừa vằn tập trung với tỉ lệ hàng ngàn con trên một mét vuông.

Giống trai ngựa vằn, trai lừa vằn sinh sản bên ngoài. Chúng hình thành các đám mây veliger chính là các ấu trùng bơi tự do rất nhỏ có thể trôi nổi trong suốt 5 tuần trước khi đậu xuống một bề mặt nào đó hấp dẫn chúng.

Lập lờ trong các dòng chảy, ấu trùng trai lừa vằn trôi ngược dòng hàng trăm dặm. Trai trưởng thành được phát hiện thấy ở tận đập Imperial gần biên giới Mexico.

Nhưng chúng vẫn chưa dừng lại ở đó. Tại hồ chứa nước Havasu nằm trên ranh giới hai bang California và Arizona, có các trạm bơm bước khổng lồ cung cấp hàng triệu ga-lon nước mỗi ngày cho các thành phố và trang trại. Bị kéo vào đường ống dẫn nước sông Colorado và các kênh mương Dự án trung tâm Arizona, các ấu trùng đã có một chuyến du hành xa tít tắp về phía đông đến tận Phoenix và Tucson, về phía tây đến tận San Diego.

Alexia Retallack – phát ngôn viên cơ quan Giải trí và đánh bắt cá California nói: “Dù con sông đưa chúng đến bất cứ nơi nào, chúng sẽ theo tới đó”.

Với sự thâm nhập của con sông Colorado, một thử thách lớn lại nảy sinh đối với hệ thống nước vốn đã bị một trận hạn hán kỉ lục gây khó khăn. Las Vegas đặc biệt phụ thuộc nhiều vào con sông, 90% nước uống đều lấy từ hồ Mead.

Sở cấp nước Metropolitan Water District cung cấp cho 26 thành phố miền nam California thường xuyên phải nhờ đến các thợ lặn để loại bỏ những con trai bám vào ống lấy nước từ hồ Havasu. Để tiêu diệt ấu trùng trai phải sử dụng đến 9.000 ga-lon clo, có thể tích tương đương 2 thùng xe moóc, đổ vào đường ống dẫn nước sông Colorado mỗi ngày. Ric de Leon – nhà vi trùng học chỉ đạo chương trình kiểm soát trai lừa vằn tại đây – cho biết: “Điều chúng tôi muốn làm là hạn chế chúng. Cho đến nay, mọi việc tiến triển khá tốt”.

Các nhà chức trách California cũng bắt đầu tiến hành kiểm tra tàu thuyền gắt gao, thậm chí còn sử dụng chó nghiệp vụ để tìm trai lừa vằn. Bà Retallack cho biết: “Chúng tôi đã có những con chó chuyên tìm trai lừa vằn đầu tiên trên hành tinh”.

Được bao quanh bởi đập nước, hồ chứa, kênh mương và các đường ống, Colorado giống như một dự án ống nước khổng lồ hơn là một con sông tự nhiên mang đến cho loài trai một cơ hội rất tốt để gây hại. David Pimentel – giáo sư sinh thái tại Cornell đồng thời là chuyên gia nghiên cứu hậu quả kinh tế do các loài xâm lược gây ra - nói rằng chi phí kiểm soát và bảo trì có thể lên đến “hàng tỉ đô la bởi những con trai đã xuất hiện ở khu vực phía đông”.

Điều đáng báo động hơn đối với một số người chính là hậu quả sinh thái tiềm tàng. Tiến sĩ Fahnenstiel coi sức phát triển bùng nổ của loài trai là sự phá hoại sinh thái nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hồ Lớn hiện đại. “Đó là một mối lo lắng khổng lồ. Chắc chắn điều đó là có thật”.

Tại hồ Michigan, các quần thể cá đã bị sụt giảm khi những con trai lấy đi chất dinh dưỡng trong nước. Tom Nalepa – nhà sinh học nghiên cứu cộng tác với phòng thí nghiệm Hồ Lớn – nói rằng: “Bầy cá phải chịu ảnh hưởng bởi chẳng còn thức ăn cho chúng. Tất cả thức ăn trong hồ đều bị những con trai lấy hết. Điều mà chúng ta đang thấy chính là việc cá trong hồ bị những con trai thay thế”.

Nhờ cơ chế lọc nước, trai lừa vằn có thể làm nước trong hơn, tăng lượng ánh sáng thúc đẩy sự phát triển của tảo và rong rêu; thay vào đó lại gây ra nạn đói ôxi ở “các vùng chết chóc” mới được phát hiện gần đây trên hồ Erie. Tích lũy các độc chất lọc từ nước, những con trai lại góp phần làm tăng chứng ngộ độc thịt.

Tiến sĩ Fahnenstiel phát biểu: “Ở Hồ Lớn, chúng tôi phát hiện thấy chứng ngộ độc thịt ở những con chim đã lên đến mức trầm trọng. Một số lượng lớn chim lặn gavia đã chết. Đó là một trong những loài chim rất được yêu thích tại đây”.

Trên sông Colorado, hai loài cá bản địa, cá bống bonytail, cá lưng nhọn là những loài yếu ớt nhất trước sự cạnh tranh của loài trai. Chứng ngộ độc thịt ở loài chim cũng đe dọa sự sống của đại bàng trắng quanh hồ Mead.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng các sinh vật gây bệnh ẩn sau sự phát triển lan rộng của trai lừa vằn, sang Hồ Lớn qua thuyền chuyên chở vượt đại dương và sang phía tây qua các du thuyền, có khả năng bị các loài gây hại tiềm năng khác khai thác. Ước tính khoảng 180 loài lạ phát triển các quần thể ở Hồ Lớn hàng năm. Mới đây, vi rút gây xuất huyết nhiễm trùng máu septicemia – một loại vi rút châu Âu có thể khiến rất nhiều cá phải chết đã lan đến ba hồ Huron, Michigan và Ontario thuộc Hồ Lớn.

Tiến sĩ Fahnenstiel cho biết: “Người dân Bắc Mỹ cần phải theo dõi loài nào xuất hiện ở Hồ Lớn. Chẳng còn hệ thống nào bị ngăn cách về mặt địa lý nữa. Tất cả đều kết nối với nhau”.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất