Loài vật nào có lực cắn mạnh nhất thế giới?

Cá sấu nước mặn được coi là động vật có lực cắn mạnh nhất trong số các động vật hiện đang sống trên Trái đất. 

Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Frontiers, lực cắn là lực mà cơ và xương của hàm trên và dưới tạo ra khi động vật cắn. Động vật với lực cắn lớn thường không gặp vấn đề gì trong việc ngoạm con mồi đang giãy giụa. Một số động vật ăn thịt thậm chí có thể nhai con mồi có lớp giáp đặc biệt cứng cáp.


Cá sấu nước mặn có lực cắn mạnh nhất hành tinh. (Ảnh: Diana Lynne)

Trong tất cả sinh vật còn sống ngày nay, cá sấu nước mặn (Crocodylus porosus) có lực cắn mạnh nhất, ở mức 16.460 newton (N), theo nghiên cứu năm 2012 trên tạp chí PLOS One. Bất cứ vật nào rơi vào hàm cá sấu nước mặn đều chịu lực cắn khổng lồ trong quá trình hấp hối.

Hai loài vật khác có thể cạnh tranh hoặc thậm chí đánh bại cá sấu nhưng lực cắn của chúng chưa được đo trong thực tế bởi chúng là động vật ăn thịt dưới nước. Nếu được xác nhận, lực cắn mạnh nhất thuộc về cá voi sát thủ (Orcinus orca), với độ mạnh 84.516 N theo ước tính của Hiệp hội cá mập Hà Lan, tiếp theo là cá mập trắng lớn (Carcharodon carcharias), ở mức 18.000 N, theo mô hình máy tính sử dụng trong nghiên cứu công bố năm 2008 trên tạp chí Zoology.

Trong số động vật đã tuyệt chủng, lực cắn của khủng long bạo chúa (Tyrannosaurus rex) xếp hàng đầu (35.000 N) khi chúng sống trên Trái đất từ 66 đến 68 triệu năm trước. Cá mập khổng lồ Megalodon (Otodus megalodon) thống trị đại dương cách đây 3,6 - 15 triệu năm có lực cắn lên tới 182.200 N. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi xoay quanh việc cá mập có thể đánh bại khủng long hay không. Rất khó so sánh chúng với nhau bởi cấu tạo hàm và số lượng răng của hai loài khác biệt, theo Jack Tseng, nhà sinh vật học kiêm phó giáo sư sinh học tổ hợp ở Đại học California, Berkeley.

Lực cắn có thể đo trực tiếp hoặc ước tính gián tiếp. Động vật sống có thể cắn nát thiết bị đo lực, đó là cách các nhà khoa học đo lực cắn của cá sấu nước mặn. Đối với loài vật không thể kiểm tra theo cách này như cá voi sát thủ và cá mập, lực cắn được tính dựa trên cấu trúc cơ thể, hình dáng và loại con mồi mà chúng săn. Động vật đã tuyệt chủng thậm chí còn khó tính toán hơn do chỉ có xương hàm trong hộp sọ. Đây là lý do giới nghiên cứu sử dụng mô phỏng để tái tạo cơ hàm đã phân hủy từ lâu.

Nhiều đặc điểm góp phần tạo ra lực cắn, bao gồm sức mạnh của của đầu và xương hàm. Răng cũng là một vũ khí. Đầu của khủng long bạo chúa không chỉ có sức mạnh nghiền nát xương mà còn có hàm răng sắc như dao. Tuy nhiên, một yếu tố chi phối tất cả là kích thước cơ thể. Theo Daniel Huber, giáo sư nghiên cứu môi trường ở Đại học Tampa, Florida, kích thước cơ thể là yếu tố quan trọng nhất quyết định lực cắn.

Tuy nhiên, không phải mọi động vật có lực cắn lớn đều khổng lồ và có răng nhọn. Một số loài thậm chí không phải động vật ăn thịt. Chim sẻ đất lớn Galapagos (Geospiza magnirostris) có lực cắn mạnh nhất so với kích thước, theo nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B. Loài chim này chỉ nặng 33 g nhưng mỏ của chúng có thể cắn vỡ hạt với lực 70 N, gấp 320 lần lực cắn của T. rex theo tương quan kích thước. So với chúng, lực cắn lớn nhất của con người chỉ vào khoảng 1.000 N.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất