Loài vịt bay vượt dãy Himalaya để sinh sản

Vịt vàng Tadorna có thể bay tới độ cao 6.800 mét, độ cao lớn nhất từng được ghi nhận ở các loài chim thuộc họ Vịt.

Các nhà khoa học tại Đại học Exeter, Anh, phát hiện một loài chim thuộc họ Vịt có thể bay vượt dãy núi Himalaya để sinh sản, Phys hôm 5/9 đưa tin. Loài vịt này thường bay cao trên 5.000 mét và đôi khi lên tới độ cao 6.800 mét so với mặt nước biển.


Vịt vàng phải bay vượt núi Himalaya vào mùa xuân để đến được vùng đất sinh sản của chúng. (Ảnh: Phys).

Các nhà khoa học cho biết đây là loài vịt vàng, một loài chim trong họ Vịt có tên khoa học là Tadorna ferruginea. Để thu thập dữ liệu, các nhà khoa học sử dụng một vệ tinh chuyên theo dõi và quan sát hoạt động của chúng vào mùa sinh sản.

Theo Nicole Parr, trưởng nhóm nghiên cứu của Trung tâm Sinh thái và Bảo tồn tại Đại học Exeter, vịt vàng Tadorna cần phải bay vượt dãy Himalaya vào mùa xuân để đến được vùng đất sinh sản của chúng. Đó là một thách thức lớn bởi đây là địa hình núi cao trên 4.000 mét, với mức oxy rất loãng.

Loài chim thuộc họ Vịt này đã bay theo nhiều đường vòng để tránh những đỉnh núi lớn. Kết quả nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Sinh học Avain.


Vịt vàng Tadorna.

"Kết quả nghiên cứu cho thấy đây là độ cao cao nhất từng được ghi nhận của một loài chim trong họ Vịt. Không chỉ vậy, vịt vàng Tadorna còn có tốc độ bay nhanh hơn so với ngỗng Ấn Độ", Nicole cho biết.

Trước đó, Tiến sĩ Lucy Hawkes của Đại học Exeter cũng từng phát hiện một loài ngỗng nước có thể bay tới độ cao 7.290 mét vào năm 2014. Loài ngỗng Ấn Độ này là loài chim nước duy nhất có thể bay cao hơn loài vịt vàng.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất