Loạt ảnh chân thực nhất về Sao Diêm Vương mới được công bố
Cùng chiêm ngưỡng những hình ảnh chân thực nhất của Sao Diêm Vương được chụp lại bởi vệ tinh hiện đại của NASA.
- 5 bí ẩn về sao Diêm Vương
- Sao Diêm Vương đổi màu
- Ngày mai tàu vũ trụ New Horizons tiếp cận sao Diêm Vương
Chùm ảnh chân thực nhất trong lịch sử về Sao Diêm Vương mới được công bố
Chiều ngày 13/7 theo giờ New York (khoảng 3h sáng ngày 14/7 theo giờ Việt Nam), tàu thăm dò New Horizons của NASA đã làm nên lịch sử khi trở thành phi thuyền vệ tinh đầu tiên tiếp cận Sao Diêm Vương (Pluto) - hành tinh xa nhất trong Hệ Mặt Trời mà trước đó con người chưa thể khám phá được.
Sao Diêm Vương là hành tinh xa nhất nằm trong “đại gia đình” Hệ Mặt trời. Từ khi được phát hiện năm 1930 cho tới tận năm 2006, Sao Diêm Vương vẫn được tính là hành tinh thứ chín.
Vào ngày 24 tháng 8 năm 2006 Liên đoàn Thiên văn Quốc tế đã lần đầu tiên định nghĩa "hành tinh". Dựa theo cách định nghĩa này, Sao Diêm Vương không còn được công nhận là một hành tinh trong Hệ Mặt trời nữa mà chỉ được gọi là "hành tinh lùn" do không đáp ứng được đủ điều kiện để xác định một hành tinh.
Hình ảnh về Sao Diêm Vương này được chụp vào lúc 4 giờ chiều ngày 13/7 theo giờ New York (khoảng 3h sáng ngày 14/7 theo giờ Việt Nam).
Mới đây, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ - NASA đã công bố những hình ảnh mới nhất mà phi thuyền vệ tinh New Horizons thu được trong chuyến “công du” ngoài không gian.
Những bức ảnh này được chụp khoảng 16 tiếng trước khi đạt khoảng cách gần bề mặt Sao Diêm Vương nhất. Sau đó phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ những bức ảnh này mới có mặt tại Trái đất.
Khoảng cách gần nhất mà vệ tinh này đạt được vào khoảng 12.500km tính từ bề mặt. Đây là lần đầu tiên con người có thể tiếp cận Sao Diêm Vương trong khoảng cách gần như thế.
New Horizons là phi thuyền thăm dò không gian tự động được NASA phóng lên vũ trụ vào năm 2006. Kinh phí để phóng New Horizons lên đến 700 triệu đôla (khoảng 15 nghìn tỷ VND) trong đó bao gồm phí chế tạo tên lửa, phí nghiên cứu thiết bị mới và nhân lực để hoàn thành công việc.
Bởi vì địa điểm “công tác” của New Horizons nằm rất xa Mặt trời nên các nhà khoa học đã không sử dụng pin năng lượng Mặt trời như các vệ tinh nhân tạo khác. Thay vào đó, New Horizons được chạy bằng pin nguyên tử có khả năng cung cấp năng lượng trong vòng 20 năm.
Khối lượng của chiếc phi thuyền vệ tinh này là 465 kg. Trong suốt 9 năm qua, New Horizons đã “vi vu” gần 4 tỷ km trong vũ trụ. Cho đến thời điểm này, New Horizons đã lướt qua Sao Diêm Vương rất nhiều lần nhưng chưa thể một lần hạ cánh.