Lốc xoáy làm một người chết, 80 người bị thương

Chiều tối 23/6, bão Haima đã gây mưa lớn trên diện rộng ở miền Bắc. Do ảnh hưởng của bão, một trận lốc xoáy quét qua huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã khiến 80 người bị thương, một thai phụ bị cây đổ đè chết.

>>> Sáng 24/6 mưa bão có thể gây ngập Hà Nội

Từ 14h chiều 23/6, nhiều tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa, một số nơi mưa khá lớn. Theo Đài khí tượng thủy văn đồng bằng Bắc Bộ, nguyên nhân gây mưa là do rìa ngoài bão Haima quét qua khu vực này.


Lốc xoáy tại Thủy Nguyên, Hải Phòng.
(Ảnh: Tuấn Tú)

Đặc biệt, do ảnh hưởng của bão Haima, một trận lốc xoáy mạnh quét qua hai xã An Lư và Trung Hà (Thủy Nguyên) lúc chập tối. Kéo dài trong khoảng 30 phút, trận lốc xoáy đã để lại cảnh tượng tan hoang khi hơn 20 căn nhà ở bị giật đổ hoàn toàn, hơn 1.000 căn khác cùng nhiều phòng học bị tốc mái. Cây xanh cùng cột điện gãy đổ khắp nơi. Toàn bộ hai xã bị mất điện.

Chị Nguyễn Thị Tươi (xã An Lư), một thai phụ sắp sinh đã bị cây đổ đè chết. Khoảng 80 người khác bị thương, trong đó 40 người bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu.

Tối 23/6, lãnh đạo thành phố Hải Phòng cũng như huyện Thủy Nguyên đã có mặt tại nơi xảy ra tai họa, đồng thời chỉ đạo khắc phục tạm thời hậu quả trận lốc xoáy. Trước mắt, những hộ dân có nhà bị sập được di dời tá túc ở trụ sở UBND xã và những hộ dân xung quanh.

Dự kiến, sáng 24/6, huyện sẽ tiến hành khôi phục những ngôi nhà bị sập cho người dân. Bước đầu huyện đề nghị thành phố hỗ trợ người dân bị nạn với mức người tử nạn 5 triệu đồng mỗi người và người bị thương mức 3 triệu đồng mỗi người.

Ngày 24/6, miền Bắc mới thực sự mưa lớn trên diện rộng. Riêng Hà Nội, khoảng từ trưa 24/6, sẽ có mưa lớn. Đài khí tượng nhận định, lượng mưa cả trong những ngày cuối tuần có thể đạt tới 200 mm.


Công nhân công ty thoát nước tại một điểm đen úng ngập trên đường Thái Thịnh.
(Ảnh minh họa: N.H).

Công ty thoát nước Hà Nội đã có kế hoạch đối phó khẩn cấp. Theo ông Nguyễn Lê, Giám đốc công ty, mực nước tại các nhánh sông, mương, hồ chứa trong nội thành đã được rút về mực thấp nhất để phục vụ tiêu thoát. Các trạm bơm lớn, đặc biệt là trạm Yên Sở cũng đã sẵn sàng.

"Từ đêm nay đến hết ngày 24/6, công nhân của chúng tôi sẽ ứng trực 24/24 tại các điểm xung yếu. Các phương tiện xe, máy phục vụ thoát nước cũng đã vào vị trí", ông Lê cho biết.

Theo vị giám đốc này, với công suất tiêu thoát nước của thành phố hiện là 170 mm trong hai ngày, điều lo lắng nhất là xảy ra tình huống mưa cấp tập. "Nếu lượng mưa lên tới 100 mm trong vài giờ thì chắc chắn xảy ra ngập úng. Tuy nhiên, nếu mưa dàn trải trong 2-3 ngày thì không lo", ông Lê nói.

Trong khi đó, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, 16h chiều 23/6, tâm bão ngay trên vùng bờ biển phía Đông Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) và cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10.


Sau khi đổ bộ vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), bão Haima sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đi vào vịnh Bắc Bộ và gây mưa lớn ở miền Bắc.
(Ảnh: NCHMF).

Ngày 24/6, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam với tốc độ 10-15km mỗi giờ, đi qua bán đảo Lôi Châu và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Chiều 24/6, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên vùng biển ven bờ các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng với sức sức gió vùng gần tâm mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Sau đó, áp thấp tiếp tục men theo bờ biển các tỉnh miền Bắc và ảnh hưởng trực tiếp tới ven biển các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Ảnh hưởng của bão khiến vùng biển phía tây bắc Biển Đông trong ngày 23/6 có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8. Biển động kèm mưa rào và dông mạnh. Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa tới mưa lớn. Khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7.

Trong chiều 23/6, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cũng đã có công điện yêu cầu UBND, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chỉ đạo Công ty khai thác công trình thuỷ lợi và địa phương khẩn trương triển khai thực hiện phương án đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, an toàn hồ chứa nước và chống úng bảo vệ cây trồng. Tùy theo tình hình thực tế của hệ thống, chủ động tiêu nước đệm, giải tỏa vật cản trên các trục tiêu, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng tiêu úng khi có mưa lớn...

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất