Lục địa bí ẩn Zealandia bị biến đổi bởi Vành đai lửa Thái Bình Dương
Các nhà khoa học vừa tìm ra những cơ sở mới liên quan đến lục địa bí ẩn Zealandia nằm dưới Thái Bình Dương, đã trải qua một biến động lớn khoảng 35 đến 50 triệu năm trước.
Zealandia được ví như vương quốc mất tích Atlantic. Đây được xem là lục địa thứ 8 và cũng là lục địa nhỏ nhất của Trái đất.
Theo kết quả được công bố trên tạp chí Geology, các nhà khoa học hiện tin rằng sự biến đổi địa hình có thể liên quan đến việc tái kích hoạt các đường đứt gãy cổ xưa liên quan đến sự hình thành Vành đai lửa phía tây Thái Bình Dương.
Hình ảnh mô tả lục địa Zealandia.
Các nhà khoa học từ lâu đã tin rằng lớp vỏ của Zealandia bắt đầu mỏng đi khi tách ra khỏi Gondwana, một siêu lục địa cổ đại bao gồm Nam Cực và Úc, khoảng 85 triệu năm trước.
Hiệp hội Địa chất Mỹ cũng xác nhận rằng hóa thạch trong các mũi khoan được thu thập vào năm 2017 cho thấy các phần của Zealandia đã tăng 1 đến 2 km trong khi các phần khác lắng xuống cùng thời điểm trước khi toàn bộ lục địa chìm sâu dưới nước.
"Những thay đổi mạnh mẽ ở miền bắc Zealandia, một khu vực có kích thước bằng Ấn Độ, trùng khớp với sự xô lệch của các lớp đá và sự hình thành của các núi lửa dưới nước trên khắp phía tây Thái Bình Dương", Rupert Sutherland, nhà địa vật lý đến từ Đại học Victoria cho biết.
Một trong những điều đáng kinh ngạc về những quan sát của các nhà khoa học là chúng tiết lộ những dấu hiệu ban đầu của Vành đai lửa gần như đồng thời trên khắp phía tây Thái Bình Dương.
Sutherland và các đồng nghiệp đã đưa ra một cơ chế mới gọi là "sự kiện vỡ chìm” so sánh với một trận động đất lớn nhưng siêu chậm.
Các nhà khoa học không biết ở đâu hay tại sao, nhưng một điều gì đó đã xảy ra do chuyển động cục bộ và khi bắt đầu trượt như trong một trận động đất, chuyển động nhanh chóng lan sang các phần liền kề của hệ thống đứt gãy và xung quanh phía tây Thái Bình Dương.