Lượng côn trùng trên thế giới suy giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường toàn cầu
Một nghiên cứu mới đây đã cảnh báo với toàn thế giới về sự suy giảm nghiêm trọng đối với các loài côn trùng. Nếu con người không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, dự báo trong vòng 100 năm nữa, chúng sẽ bị tuyệt chủng.
Trong một nghiên cứu mới công bố trên ScienceDirect, các nhà khoa học đã dựa vào tổng cộng 73 khảo sát trước đây về sự suy giảm số lượng côn trùng trên toàn thế giới và đưa ra kết luận: Cứ mỗi 1 năm, số lượng côn trùng lại giảm đi 2,5%.
Đây thực sự là một con số đáng báo động, đe dọa nghiêm trọng tới hệ cân bằng sinh thái trên phạm vi toàn Trái Đất. Nếu không được ngăn chặn, rất có thể con người sẽ không còn được nhìn thấy một con côn trùng nào nữa trong vòng 100 năm tới.
Trong 10 năm nữa chúng ta sẽ chỉ còn 1/4 số lượng côn trùng.
Francisco Sánchez-Bayo, đồng tác giả nghiên cứu đang làm việc tại Đại học Sydney cho biết:
"Trong 10 năm nữa chúng ta sẽ chỉ còn 1/4 số lượng côn trùng, 50 năm nữa chỉ còn một nửa và 100 năm nữa thì sẽ chẳng còn gì".
Sánchez-Bayo và đội ngũ của mình đã tập trung vào phân tích côn trùng tại Châu Âu và các nước Bắc Mỹ. Họ ước tính có khoảng 41% các loài côn trùng đang bị suy giảm số lượng, 31% đang bị đe dọa. Tỷ lệ suy giảm này hiện cao gấp 8 lần so với tốc độ tuyệt chủng từng được ghi nhận trên động vật có vú, chim và bò sát.
Sự biến mất của côn trùng sẽ gây ra một chuỗi những hiểm họa cho môi trường thiên nhiên. Có thể bạn không biết, nhưng côn trùng là nguồn thức ăn chính cho vô số các loài chim, cá và động vật có vú. Những loài côn trùng thụ phấn như ong và bướm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thảm thực vật, sản xuất trái cây, rau và hạt.
Nghiên cứu còn cho thấy các loài ong ở Anh, Đan Mạch và Bắc Mỹ đã bị suy giảm một lượng cá thể vô cùng lớn, bao gồm cả ong vò vẽ, ong mật và các loài ong hoang dã. Riêng ở Mỹ, số lượng đàn ong mật đã giảm từ 6 triệu vào năm 1947 nay chỉ còn 2,5 triệu sau 6 thập kỷ.
Các loài ong ở Anh, Đan Mạch và Bắc Mỹ đã bị suy giảm một lượng cá thể vô cùng lớn.
Mặt khác, các loài bướm cũng đang dần biến mất trên khắp Châu Âu và Mỹ. Tính riêng từ năm 2000 tới năm 2009, Anh Quốc đã mất tới 58% các loài bướm trên đất nông nghiệp. Điều tương tự cũng đang xảy ra với chuồn chuồn, côn trùng thuộc bộ phù du và bọ cánh cứng.
Sự suy giảm nhanh chóng về đa dạng sinh học toàn cầu này đôi khi còn được giới khoa học gọi là "Cuộc đại tuyệt chủng thứ 6", vì đây có thể sẽ là lần thứ 6 trong lịch sử Trái Đất, hệ động vật của hành tinh phải chịu sự suy giảm nghiêm trọng dẫn đến tuyệt chủng diện rộng.
Trong quá khứ, những sự kiện tuyệt chủng hàng loạt thường gây ra bởi kỷ băng hà, do va chạm thiên thạch với Trái Đất. Tuy nhiên lần này, nguyên nhân của sự tuyệt chủng phần lớn lại gây ra bởi các hoạt động của con người, như phá rừng, khai thác tài nguyên, phát thải khí carbon-dioxide, làm tình trạng ấm lên toàn cầu ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.