Lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ dễ gặp động đất

Do nằm ở nơi giao nhau của nhiều mảng kiến tạo với nhiều đứt gãy, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành điểm nóng của hoạt động địa chấn.

Thổ Nhĩ Kỳ vừa trải qua trận động đất mạnh xảy ra gần thành phố Gaziantep với tâm chấn ở độ sâu 17,9km, phá hủy nhiều tòa nhà và khiến hơn 3800 người đã thiệt mạng và hơn 5.000 người bị thương, gần 900 tòa nhà bị sập tại nhiều thành phố. Quốc gia lân cận là Syria cũng có ít nhất 237 người tử vong và 639 người bị thương, theo cơ quan thông tấn SANA trích lời một quan chức y tế của nước này. Hơn 1.000 tình nguyện viên tìm kiếm cứu hộ đã được triển khai. Các thành phố bị thiệt hại nhiều nhất, bao gồm Adana, Malatya, Gaziantep, Diyarbakır, Hatay, Adıyaman, Osmaniye và Şanlıurfa.


Đội cứu hộ giải cứu một người dân trong tòa nhà sụp đổ ở Adana, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AP).

Đây không phải lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với động đất dữ dội như vậy. Theo Stephen Hicks, nghiên cứu viên địa chấn học ở Đại học Hoàng gia London, trận động đất này có độ mạnh tương đương thảm họa vào tháng 12/1939 ở đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Khi đó, trận động đất mạnh 7,8 độ diễn ra gần thành phố Erzincan, phá hủy 116.720 tòa nhà và khiến 32.968 người thiệt mạng. Điều kiện thời tiết lạnh giá cũng cản trở hoạt động cứu hộ.

Sau trận động đất năm 1939, Thổ Nhĩ Kỳ còn trải qua 5 trận động đất từ năm 1942 đến năm 1967, tiếp đó là trận động đất lớn vào tháng 8/1999. Ngày 17/8/1999, trận động đất mạnh 7,4 độ xảy ra gần thành phố Izmit ở vùng đông bắc khiến hàng chục nghìn người chết và 250.000 người trở thành vô gia cư. Istanbul, thành phố hơn 7 triệu người ở cách tâm chấn khoảng 80 km về phía tây bắc cũng rung lắc dữ dội. Trận động đất đã san bằng Izmit và nhiều thành phố xung quanh. Chỉ riêng trong năm 2020, Cơ quan quản lý thiên tai và tình trạng khẩn cấp của nước này ghi nhận hơn 33.000 trận động đất khác nhau, bao gồm 322 trận động đất mạnh từ 4 độ trở lên.

Khoảng 98% diện tích Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng dễ xảy ra động đất và khoảng 1/3 đất nước nằm ở nguy cơ cao, bao gồm khu vực xung quanh những thành phố lớn như Istanbul và Izmir cùng vùng Đông Anatolia. Phần lớn Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên mảng kiến tạo Anatolia, nằm giữa hai mảng kiến tạo lớn là mảng Á – Âu và châu Phi, và mảng nhỏ là Arab. Khi mảng châu Phi lớn hơn và mảng Arab dịch chuyển, Thổ Nhĩ Kỳ bị ép chặt, trong khi mảng Á – Âu cản trở bất kỳ sự dịch chuyển nào về hướng bắc. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên vài đường đứt gãy. Theo ABC, các chuyên gia ví đứt gãy Bắc Anatolia gần giống một chiếc áo có cúc bị kéo căng. Khi một nút áo bung ra, áp lực sẽ dồn sang nút áp tiếp theo, khiến nó nhiều khả năng bung tiếp.

Đường đứt gãy Bắc Anatolia, nơi mảng kiến tạo Anatolia và Á - Âu giao nhau được cho là đường đứt gãy có sức phá hủy mạnh nhất, chạy từ phía nam Istanbul tới vùng đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, đường đứt gãy Đông Anatolia kéo dài 650km từ cao nguyên phía đông Thổ Nhĩ Kỳ tới Địa Trung Hải. Từ đó, nó rẽ về phía nam và gặp đầu phía bắc của hệ thống Tách giãn lớn, phân tách mảng kiến tạo châu Phi và Arab.

Vì những lý do trên, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần phải chịu thiệt hại do động đất. Tuy nhiên, đất nước vẫn chưa chuẩn bị để đối phó. Một số tòa nhà, bao gồm công trình ở Istanbul, thành phố hiện đại và phát triển nhất, không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn động đất. Nhiều ngôi nhà được xây với quy trình giám sát thi công kém và vật liệu chất lượng thấp. Tranh chấp thường xuyên giữa đảng Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng buộc nhiều dân làng phải bỏ nhà cửa và đất đai, tái định cư trong các thành phố và thị trấn ở căn nhà dựng tạm. Những ngôi nhà này dễ dàng sụp đổ khi động đất xảy ra, dẫn tới thiệt hại càng lớn.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất