Lý do Pakistan hứng chịu trận đại hồng thủy chết chóc chưa từng thấy

Ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu cùng một số nguyên nhân khác được cho là đã dẫn tới thảm họa ngập lụt chưa từng có trong lịch sử ở Pakistan, Guardian đưa tin.

Tình trạng biến đổi khí hậu ban đầu được cho là nguyên nhân chính gây ra những trận lũ lớn trên khắp Pakistan. Cho đến nay, các trận lũ đã cướp đi sinh mạng của 1.136 người và ảnh hưởng tới cuộc sống của 33 triệu người khác.

Tuy nhiên, nguyên nhân của trận lũ lịch sử này được cho là phức tạp hơn nhiều khi được tạo thành bởi nhiều yếu tố như địa hình đồi núi tại Pakistan, tình trạng hư hỏng của hệ thống đê điều, những thay đổi về khí hậu cùng với việc người dân nghèo Pakistan không được chuẩn bị để đối phó với những thảm họa tự nhiên trên quy mô lớn.

"Chúng ta đang chứng kiến trận lũ lớn nhất trong lịch sử Pakistan", tiến sĩ Fahad Saeed, một nhà khoa học khí hậu thuộc tổ chức Nghiên cứu Khí hậu ở thủ đô Islamabad, cho biết.


Một lối đi tạm được dựng lên ở thành phố Shikarpur thuộc tỉnh Sindh. Tình trạng mưa lớn liên tục đã gây ngập lụt ở hầu khắp các khu vực tại Pakistan. Ảnh: AFP.

Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng lũ lụt chính là lượng mưa lớn kỷ lục.

Mưa liên tục

"Pakistan chưa bao giờ ghi nhận những trận mưa với tần suất liên tục như hiện tại. Sau 8 tuần, những trận mưa rào đã phần lớn đất nước phải đối mặt với tình trạng ngập lụt. Những trận mưa lớn đang gây ra những hậu quả nặng nề trên khắp cả nước", Bộ trưởng Biến đổi khí hậu Pakistan Sherry Rehman cho biết.

Kể từ đầu tháng 8, lượng mưa ghi nhận tại tỉnh Sindh của Pakistan cao gấp 9 lần so với các năm trước. Trên toàn quốc, lượng mưa đo được trong tháng vừa qua cũng cao hơn 5 lần so với cùng thời điểm trong các năm trước.

Các nhà khoa học cố gắng xác định tầm quan trọng của tình trạng nóng lên toàn cầu trong việc gây ra các trận lũ tại Pakistan.Trong trận lũ lớn gần nhất tại Pakistan vào năm 2010, biến đổi khí hậu được coi là một trong những nguyên nhân chủ đạo.


Tình trạng mưa lũ đã làm ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 30 triệu người tại Pakistan. (Ảnh: AFP).

Theo một nghiên cứu vào năm 2021, tình trạng nóng lên toàn cầu đang khiến cho mùa mưa tại khu vực Nam Á ngày càng trở nên khắc nghiệt và thất thường. Lượng mưa trong khu vực tăng 5% khi nhiệt độ trung bình của Trái Đất tăng thêm một độ C.

Pakistan thường xuyên phải hứng chịu các trận lũ kể từ năm 2010, bên cạnh đó là tình trạng cháy rừng và các đợt nắng nóng kéo dài.

"Chúng tôi đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu. Chúng tôi không còn cảm thấy bất ngờ khi phải hứng chịu thiên tại hàng năm", ông Saeed chia sẻ.

Theo bà Liz Stephens, giáo sư về rủi ro và chống chịu biến đổi khí hậu tại Đại học Reading - một thành viên của hệ thống cảnh báo lũ lụt quốc tế, trận lụt đang diễn ra tại Pakistan được dự báo chỉ có thể xảy ra một lần mỗi thế kỷ.

"Tình trạng ngập lụt nặng nề đang diễn ra trên khắp cả nước. Tại nhiều khu vực, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn so với năm 2010, khi lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 1.700 người", bà Stephens cho biết.

Phức tạp

Theo bà Stephens, hai nguyên nhân chính gây ra thiệt hại lớn về người trong trận lũ hiện tại ở Pakistan chính là tình trạng lũ quét và việc xuống cấp của hệ thống đê điều.

Bà Stephens cho biết tại nhiều khu vực, tình trạng lũ quét đã xảy ra sau khi nước mưa đổ xuống những khu vực có địa hình đồi núi, làm tăng tốc độ của dòng nước lũ. Bên cạnh đó, tại một số khu vực, tình trạng phá rừng cũng loại bỏ các rào cản tự nhiên ngăn nước lũ.


Tình trạng lũ lụt hiện tại ở Pakistan được đánh giá là tồi tệ hơn so với trận lũ lịch sử mà nước này phải hứng chịu vào năm 2010. (Ảnh: The New Humanitarian).

"Rất khó để dự báo và sơ tán người dân trong các trận lũ quét", bà Stephens nói.

Tại nhiều khu vực, các hệ thống đê ven sông cũng bị hư hại.

"Bạn không thể dự đoán được khi nào hệ thống đê ven sông sẽ bị phá hủy. Nhiều người sống ở các khu vực có đê và nghĩ rằng mình được bảo vệ sẽ không có sự chuẩn bị kịp thời khi các trận lũ xuất hiện", bà Stephens phân tích.

Theo nhà khí tượng học Scott Duncan, một nguyên nhân khác được cho là góp phần gây ra trận lũ lịch sử tại Pakistan là hiện tượng El Nino - Dao động phương Nam (ENSO). Theo ông hiện tượng ENSO ở thời điểm hiện tại đang trong giai đoạn La Niña, giống với thời điểm xảy ra trận lũ lớn ở Pakistan vào năm 2010.

"Theo tôi, trong giai đoạn La Niña, ENSO có thể gây ra những ảnh hưởng mạnh mẽ và có thể là một nguyên nhân chủ đạo làm mùa mưa trở nên khắc nghiệt hơn", ông Duncan nhận định.

Người dân dễ bị tổn thương

Người dân tại Pakistan rất dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra bởi biến đổi khí hậu xếp thứ 8 trong số các quốc gia bị ảnh hưởng bởi tình trạng này theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu.

"Pakistan rất dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan nối tiếp lẫn nhau. Các đợt nắng nóng kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5, theo sau bởi mùa mưa gây ra tình trạng lũ lụt trên cả nước đã khiến nền kinh tế và đời sống của người dân quốc gia Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề", ông Duncan nhận định.

Cũng theo ông, hiện tượng nóng lên toàn cầu đã làm tăng nguy cơ xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài như trong mùa hè vừa qua lên gấp 30 lần.


Pakistan là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu. (Ảnh: AP).

"Đói nghèo, suy dinh dưỡng, bệnh tật, những gì mọi người thấy hôm nay sẽ là những thứ mà Pakistan sẽ phải đối mặt trong tương lai nếu chúng ta không nghiêm túc ứng phó với biến đổi khí hậu", chuyên gia về phát triển và khí hậu Ali Tauqeer Sheikh nhận định.

"Thật may rằng mùa mưa tại Pakistan đã sắp hết và khu vực này sẽ không còn phải hứng chịu những cơn mưa có cường độ lớn trong những ngày tới", ông Nicholas Lee, nhân viên của dịch vụ dự báo thời tiết MetDesk cho biết.

Tuy nhiên, một điều có thể dễ dàng nhận thấy chính là việc tình trạng biến đổi khí hậu có ảnh hưởng lớn tới sự gia tăng tần suất các thảm họa tự nhiên và hiện tượng thời tiết cực đoan cho dù nhiệt độ trung bình Trái Đất mới chỉ tăng 1,1 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Pakistan là quốc gia mới nhất phải chịu thiệt hại nặng nề về nhân mạng và vật chất vì tình trạng này.

"Thế giới đang trong tình trạng báo động", ông Rehman cảnh báo.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất