Lý giải hiện tượng "luôn luôn có lỗi" của con người
Các nhà nghiên cứu người Anh đã tìm ra nguyên nhân khiến nhiều người luôn sống trong cảm giác tội lỗi kể cả đó là những tội lỗi không phải do họ gây ra.
>>> Phát hiện mới về tác động của trầm cảm
Theo bác sĩ tâm thần và thần kinh người Áo - Sigmund Freud, cảm giác tội lỗi là triệu chứng phổ biến nhất của căn bệnh trầm cảm.
Trong khi đó, các nhà khoa học Anh cho rằng sự gián đoạn liên kết giữa 2 khu vực não liên quan tới cảm giác tội lỗi là lý do khiến những người mắc bệnh trầm cảm sống trong day dứt chỉ vì một lỗi vô cùng nhỏ nhặt như: không may lỡ lời.
Nhà nghiên cứu Roland Zahn tại Đại học Manchester (Anh) cho biết: "Nếu hoạt động trao đổi thông tin trong não bộ không hoạt động trôi chảy, con người có xu hướng đổ lỗi cho chính mình và không thể phân định ý nghĩa tội lỗi rõ ràng".
Hoạt động bất thường trong não bộ khiến một số người luôn sống với cảm giác tội lỗi
Ông Zahn và các cộng sự đã tập trung nghiên cứu trên vỏ não vành dưới thể gối và khu vực vách ngăn ngay gần với vùng não này - khu vực nằm sâu trong não bộ liên quan tới cảm giác tội lỗi.
Những nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng các hoạt động bất thường trong khu vực não bộ trên hay còn gọi là SCSR thường xuất hiện ở những người mắc bệnh trầm cảm.
SCSR chịu trách nhiệm trao đổi thông tin với khu vực thùy thái dương trước nằm về một phía hộp sọ. Vùng thùy thái dương trước được kích hoạt trong suốt quá trình con người suy nghĩ về các vấn đề đạo đức bao gồm tội lỗi và sự phẫn nộ.
Do đó, các nhà nghiên cứu nghi ngờ các kênh trao đổi thông tin giữa SCSR và thùy thái dương trước đã khiến con người luôn bị mặc cảm tội lỗi thay vì nghĩ mình vô tội.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên 25 tình nguyện viên. Họ từng có tiền sử mắc chứng trầm cảm song đã hoàn toàn thoát khỏi căn bệnh này trong vòng ít nhất 1 năm trước khi tham gia cuộc nghiên cứu.
Ttất cả 25 tình nguyện viên đều được chụp cộng hưởng từ (fMRI) - hình ảnh quét não bộ thể hiện lưu lượng máu bơm lên trên các vùng hoạt động trong não bộ. Trong khi chụp fMRI, mỗi bệnh nhân đọc các câu viết sẵn với hàm ý gây tội lỗi hoặc sự căm phẫn. Những câu nói này đều có tên của tình nguyện viên và tên của người bạn thân nhất của họ.
Tiếp đó, các nhà nghiên cứu so sánh hoạt động não bộ của các tình nguyện viên trên với 22 người khỏe mạnh. Những người này được chia thành cặp cùng độ tuổi, trình độ giáo dục và giới tính để so sánh.
Kết quả cho thấy, trong não bộ của những người khỏe mạnh thì vùng SCSR và thùy thái dương trước hoạt động cùng nhau khi họ đọc những câu nói gây tội lỗi và căm phẫn.
Trái lại, với những người từng mắc chứng trầm cảm, 2 khu vực này hoạt động khác nhau. Theo đó, trong giai đoạn cảm thấy căm phẫn, vùng SCSR và thùy thái dương trước của những người từng bị trầm cảm hoạt động cùng nhau nhưng bước sang cảm giác tội lỗi, 2 khu vực này không thể đồng bộ hóa hoạt động.
Ngoài ra, với những người luôn có xu hướng nhận lỗi về mình thì khoảng cách liên kết giữa SCSR và thùy thái dương trước đạt mức lớn nhất. Đặc biệt là với những tình nguyện từng bị trầm cảm, họ không thể phân biệt cảm nhận khác nhau trong khi đọc những câu nói gây tội lỗi và căm phẫn.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu chưa thể đưa ra kết luận chính xác liệu những hoạt động bất thường trong não bộ hay chứng trầm cảm là nguyên nhân gây gián đoạn liên kết trên 2 khu vực não SCSR và thùy thái dương trước.
Song rất may, theo ông Zahn, khả năng liên kết giữa SCSR và thùy thái dương trước hoàn toàn có thể được cải thiện nhờ quá trình tập luyện. Điều đó có nghĩa là những bệnh nhân mắc chứng trầm cảm có thể học cách vượt qua cảm giác tội lỗi.
Đây chính là động lực để ông Zahn hợp tác cùng nhà khoa học Jorge Moll thuộc Viện Nghiên cứu và giáo dục D'Or tại Rio de Janeiro (Brazil) nhằm xây dựng chương trình đào tạo hoạt động não bộ của con người. Trong đó, bệnh nhân sẽ được quan sát hình ảnh não bộ thời gian thực của chính mình để học cách thay đổi cảm xúc.