Lý giải hiện tượng "tóc băng" kỳ ảo vô cùng hiếm gặp khi nhiệt độ giảm sâu

Hiện tượng "tóc băng" cực kỳ hiếm gặp được phát hiện tại một khu rừng ở Scotland khi nhiệt độ ở đây đang giảm mạnh.

Jaclyn Wilson, nhiếp ảnh gia 40 tuổi, phát hiện những tinh thể băng mịn như ren trên một nhánh cây rêu phong tại Glenlednock, làng Comrie, vùng Perthshire, Scotland.

“Nó rất mong manh. Bạn phải vô cùng cẩn thận khi chạm vào. Thậm chí chỉ thở thôi cũng có thể khiến nó biến mất. Tôi rất phấn khích khi thấy "tóc băng", một hiện tượng vô cùng hiếm”, nhiếp ảnh gia 40 tuổi chia sẻ.


“Tóc băng”
là hiện tượng vô cùng hiếm gặp. (Ảnh: Deadline News).

Cô chụp lại ảnh “tóc băng” và đăng tải trên mạng xã hội Facebook. Hiện tượng kỳ thú lập tức thu hút được sự chú ý lớn của cộng đồng mạng.

“Thật tuyệt vời, nó giống như râu của Ông già Noel vậy!”, tài khoản Facebook Sarah Jane Tainsh bình luận.

Trong khi đó, một người khác thốt lên: “Kỳ diệu quá! Tôi chưa từng nhìn thấy thứ gì tương tự trước đây”.


Tóc băng thường được tìm thấy ở khu vực nhỏ hẹp thuộc bán cầu bắc. (Ảnh: Deadline News).

Tờ The Sun cho hay, về bản chất “tóc băng” là một dạng của băng giá nhưng có sự xuất hiện của một lớp bông dẻo. Nó thường được tìm thấy ở khu vực nhỏ hẹp thuộc bán cầu bắc.

Những sợi giống như tóc hình thành từ nấm bên trong thân gỗ mục nát nếu độ ẩm cao và nhiệt độ ở mức trên đóng băng. Hơi nước trong gỗ bị đẩy ra từ từ, tạo nên những sợi mịn như tóc. Chúng khá mảnh mai nên chỉ cần chạm nhẹ cũng đủ khiến chúng tan chảy.


Chúng khá mảnh mai nên chỉ cần chạm nhẹ cũng đủ khiến chúng tan chảy. (Ảnh: Deadline News).

Theo Dịch vụ Thời tiết Anh quốc, Berliner Alfred Wegener là người đầu tiên ghi nhận về hiện tượng kỳ lạ này năm 1918. Ông đề xuất giả thuyết về “tóc băng” khi quan sát nó hình thành trên gỗ mục ẩm có một loại nấm đặc biệt giúp biến băng thành dạng sợi như tóc người.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất