Ly kỳ chuyện rùa khổng lồ tấn công trâu mộng giữa sông Hồng

Ông Kỉnh dùng hết sức bình sinh phóng cây luồng vào lưng rùa. Con rùa khổng lồ lặn mất tăm kéo con trâu mộng mất hút trong dòng nước phù sa đỏ au cuồn cuộn.

Trong thời gian loanh quanh ở quanh đầm Vân Hội thuộc địa phận xã Hiền Lương, nơi có đền thờ Mẫu Âu Cơ nổi tiếng, tôi được người dân chỉ gặp ông Lê Xuân Kỉnh, người từng chứng kiến vụ một con trâu mộng bị rùa khổng lồ tấn công ở sông Hồng.

Nhà ông Kỉnh nằm ngay sau UBND xã Hiền Lương. Ông Kỉnh ngoài 60 tuổi, dáng người gầy gò, khắc khổ. Quê ông ở xã Xuân Quang (Tam Nông, Phú Thọ), vùng đất đá sỏi gan trâu, chỉ có bạch đàn sống nổi. Thời trai tráng, ông làm nghề buôn luồng, nứa dọc sông Hồng, từ Yên Bái, Hạ Hòa về Tam Nông, thậm chí tận Ba Vì, Hà Nội. Sau này, ông lập nghiệp ở Hạ Hòa rồi đưa vợ con lên đây sống.


Mấy chục năm lênh đênh kiếm sống trên sông Hồng, nên mọi luồng lạch, ngóc ngách dòng sông từ Yên Bái về cầu Phong Châu ông đều nắm rất rõ. Theo ông Kỉnh, trong quá trình đi buôn luồng dọc sông Hồng, đã có hàng trăm lần ông gặp rùa khổng lồ, to như cái nong, nặng cả tạ, khi loài rùa này lên bãi bồi giữa sông, bãi cát ven sông phơi nắng, hoặc nổi đầu lên ở những khúc sông rộng, nước chảy nhẹ.

Có 3 khu vực trên sông Hồng mà ông Kỉnh hay gặp rùa khổng lồ, gồm khu vực xã Xuân Quang (Tam Nông), khu vực thôn Chí Chủ (xã Chí Tiên, Thanh Ba) và đoạn giáp ranh giữa hai xã Hiền Lương (Hạ Hòa) và Minh Quân (Trấn Yên). Những khu vực này đều có đặc điểm là lòng sông rất rộng, có nhiều bãi cát, bãi lầy rậm rạp ven sông, có những hầm đá, vụng nước rất sâu và nước chảy hiền hòa.

Đề cập đến chuyện ông từng chứng kiến rùa khổng lồ tấn công trâu mộng giữa sông Hồng, ông Kỉnh trở nên rất hào hứng.


Vào một buổi trưa mùa hè năm 1999, khi bè luồng trôi đến xã Xuân Quang, ông Kỉnh điều khiển bè neo vào bờ để về nhà nghỉ ngơi. Khi đang chuẩn bị lên bờ thì một cậu bé gọi thất thanh: “Ông ơi! Cứu trâu của cháu với!”.

Ông Kỉnh nhìn lại phía doi đất, thấy một cậu bé đang đứng trên bờ kêu cứu, còn con trâu mộng đang trồi lên thụp xuống giữa dòng nước, cách bờ chừng 20m. Cậu bé kể rằng, khi cậu đang thả trâu xuống sông đằm nước, thì một con rùa bơi đến kéo trâu ra giữa sông.

Ông Kỉnh đẩy bè nứa trôi lại chỗ con trâu đang ngấp ngoải trong dòng nước đỏ au. Cách xa chừng 10m, ông nhìn rõ một con rùa khổng lồ, lưng bám đầy rêu mốc, to bằng cả manh chiếu, cổ bằng cái phích, đầu bằng cái giành tích, đang ngoạm chặt vào kheo chân con trâu mộng. Cuộc vật lộn rất khốc liệt, trâu giãy đạp rất mạnh, cố ngoi lên mặt nước kêu rống, còn con rùa khổng lồ thì cứ nghiến chặt vào chân trâu.

Dùng hết sức bình sinh, ông Kỉnh phóng cây luồng vào lưng rùa. Con rùa khổng lồ lặn mất tăm, con trâu mộng cũng mất hút trong dòng phù sa đỏ au cuồn cuộn.


Chờ mãi không thấy xác trâu nổi lên, ông Kỉnh hô hào mọi người giăng lưới chặn sông ở đoạn gần cầu Phong Châu. Đúng như dự đoán, đến chiều thì xác con trâu trôi đến và mắc lưới. Mọi người buộc thừng vào sừng trâu mộng, rồi dùng thuyền máy kéo về bờ sông thuộc khu 8, xã Xuân Quang.

Ai cũng kinh hoàng khi thấy từ bàn chân đến đùi con trâu mộng bị cắn nát bét, rách toạc da, đứt hết cả gân. Răng con rùa khổng lồ này phải sắc như dao và bộ hàm phải khỏe như kìm cộng lực mới có sức mạnh như thế.

Với ông Kỉnh và người dân xã Xuân Quang, chuyện rùa khổng lồ xuất hiện ở sông Hồng không có gì lạ, họ thường xuyên nhìn thấy rùa nổi ngoài sông. Cứ từ tháng 4 đến tháng 10 dương lịch, người dân nơi đây lại bơi thuyền ra bãi cát giữa sông, lần lục trong các bãi lau sậy ven sông để kiếm trứng rùa. Một ổ trứng rùa đựng đầy một thúng, cả nhà ăn chán chê.

Từ hồi bé xíu ông Kỉnh đã nghe ông bà dọa thuồng luồng ngoài sông Hồng, cốt để bọn trẻ không ra bờ sông nghịch ngợm. Lớn lên, ông nhìn thấy “thuồng luồng” to như cái nong, bò lổm ngổm trên bãi cát mới biết nó là con rùa.

Về con rùa khổng lồ làm chết trâu mộng, ông Kỉnh và người dân xã Xuân Quang đã gặp rất nhiều lần. Từ năm lên 10 tuổi, ông đã cùng đám bạn cưỡi trâu bơi ra sông Hồng để xem con rùa khổng lồ này nổi. Con rùa tuy to lớn song rất hiền lành, không tấn công bọn trẻ chăn trâu bao giờ.

Nhiều lần nó bò lên bãi cát phơi nắng, bọn trẻ thường đứng từ xa cầm gạch ném, hoặc hò hét, con rùa hoảng sợ chạy một mạch xuống sông Hồng lặn mất tăm.

Điều kỳ lạ là sau vụ rùa khổng lồ tấn công trâu mộng, người dân ở ven sông Hồng đoạn chảy qua xã Xuân Quang và những xã lân cận không còn gặp nó lần nào nữa.

Còn tiếp…

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất