Mảnh sao chổi khổng lồ có thể quét sạch sự sống trên Trái Đất
Một vụ tấn công của sao chổi xóa sổ loài khủng long trước đây rất có thể sẽ lặp lại lần nữa quét sạch mọi sự sống trên địa cầu.
Theo RT, những phát hiện gần đây về hàng trăm sao chổi khổng lồ rìa ngoài hệ Mặt Trời khiến các nhà thiên văn học phải đưa ra hồi chuông cảnh báo. Họ cho biết, những vật thể này di chuyển theo quỹ đạo không ổn định và có thể tràn vào bên trong hệ Mặt Trời tạo ra những mảnh vỡ sao chổi gây ra mối nguy "không thể tránh khỏi" đối với Trái Đất.
Các nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu thiên văn học Armagh ở Ireland và đại học Buckingham hôm 22/12 cảnh báo việc phát hiện hàng trăm sao chổi ngoài hệ hành tinh của chúng ta trong hai thập kỷ gần đây làm tăng nguy cơ sự sống trên địa cầu có thể bị xóa sổ bởi các mảnh vỡ sao chổi hơn là tiểu hành tinh.
Họ công bố nghiên cứu trong tạp chí A&> ấn bản tháng 12 của Hiệp hội Thiên văn học Hoàng gia Anh. Theo nghiên cứu, hàng trăm sao chổi khổng lồ có bề ngang từ 50-100km, thậm chí lớn hơn đang di chuyển trên quỹ đạo hình elip không ổn định xuyên qua quỹ đạo của những hành tinh lớn như sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương.
Quỹ đạo các hành tinh trong hệ Mặt Trời, trong đó hàng trăm hành tinh vi hình có quỹ đạo không ổn định thể hiện bằng đường màu đỏ. (Ảnh: Hiệp hội Thiên văn học Hoàng gia).
Trường hấp dẫn của những hành tinh lớn có khả năng đẩy những thiên thể này, còn gọi là hành tinh vi hình (centaurs), khỏi quỹ đạo của nó về phía Trái Đất. Hành tinh vi hình là lớp quỹ đạo không ổn định của các hành tinh nhỏ mang đặc điểm của cả tiểu hành tinh và sao chổi.
"Trong lúc tiến sát vùng không gian gần Trái Đất, có thể chúng sẽ vỡ thành bụi và những mảnh lớn tràn vào bên trong hệ Mặt Trời, gây ra những tác động không thể tránh khỏi đối với hành tinh của chúng ta", nhóm nghiên cứu cho biết.
Hành tinh vi hình như một quả bóng chứa đầy băng và bụi, có khối lượng lớn hơn toàn bộ quần thể tiểu hành tinh sượt qua Trái Đất từng phát hiện cho đến nay.
"Trong ba thập kỷ qua, chúng tôi đã nỗ lực theo dõi và phân tích nguy cơ xảy ra va chạm giữa Trái Đất và tiểu hành tinh", giáo sư Bill Napier, đại học Buckingham cho biết. Ông nhấn mạnh, cần phải tìm hiểu các vùng xa hơn quỹ đạo sao Mộc để tìm hành tinh vi hình vì chúng có thể là mối nguy tiềm ẩn và đây là lúc cần tìm hiểu thêm về chúng.
Các nhà thiên văn học tính toán rằng, một kịch bản va chạm có thể xảy ra theo chu kỳ 40.000 - 100.000 năm.
"Một số đại thảm họa tuyệt chủng trong quá khứ, ví dụ như sự tuyệt chủng của loài khủng long 65 triệu năm trước, có thể liên quan đến giả thuyết Trái Đất va chạm với sao chổi khổng lồ này", nhóm nghiên cứu nói sau khi so sánh nhiều ghi chép của các nhà địa chất và cổ sinh học.