Mảnh vỡ của hành tinh khác bên dưới Trái đất

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Arizona kết luận mảnh vỡ của hành tinh Theia có thể chìm sâu trong lớp phủ của Trái đất dựa trên mô hình mới.

Hai khối đá đặc khổng lồ ẩn sâu bên trong tầng thấp nhất ở lớp phủ của Trái đất được gọi là các tỉnh lớn có khối lượng trượt thấp (LLSVP), một khối nằm dưới châu Phi trong khi khối còn lại ở dưới Thái Bình Dương. Chúng lớn đến mức gây ra hiện tượng nhiễu loạn làm yếu từ trường Trái đất, gọi là Vùng dị thường Nam Đại Tây Dương. Giới nghiên cứu đưa ra nhiều giả thuyết về quá trình hình thành LLSVP nhưng chưa tìm thấy bằng chứng chính xác. Nhiều học giả cho rằng chúng có thể là dấu vết cổ đại của vụ va chạm giữa Trái đất và một hành tinh tên là Theia.


Mô phỏng va chạm giữa Trái đất và hành tinh Theia. (Ảnh: Shutterstock).

Theo giả thuyết phổ biến, hành tinh Theia lớn cỡ sao Hỏa đâm vào Trái đất thuở sơ khai cách đây 4,5 tỷ năm, trong đó mảnh vỡ lớn từ Theia và có thể từ cả Trái đất tách ra, trở thành Mặt Trăng quay quanh Trái đất ngày nay. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không rõ điều gì xảy ra với phần còn lại của Theia. Liệu nó bị phá hủy hay trôi dạt trong không gian? Một số chuyên gia cho rằng lõi của hai hành tinh nguyên thủy có thể sáp nhập làm một. Sự trao đổi hóa chất từ vụ sáp nhập có thể tạo điều kiện cho sự sống hình thành.

Theo mô hình mới của các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Arizona (ASU), LLSVP có thể là mảnh vỡ cổ xưa của lớp phủ cực đặc và giàu sắt trên hành tinh Theia, chìm sâu vào lớp phủ của Trái đất khi hai hành tinh va chạm, và bị chôn vùi trong hàng tỷ năm.

"Giả thuyết Va chạm Khổng lồ là một trong những mô hình được kiểm tra nhiều nhất về quá trình hình thành Mặt Trăng, nhưng chưa ai tìm ra bằng chứng trực tiếp chứng minh sự tồn tại của hành tinh va chạm Theia", nhóm chuyên gia đứng đầu là Qian Yuan, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên về động lực học lớp phủ ở ASU, cho biết. "Chúng tôi chứng minh lớp phủ của Theia có thể đặc hơn vài % so với lớp phủ của Trái đất, cho phép vật liệu ở đó chìm xuống tầng thấp nhất trong lớp phủ Trái đất, tích tụ thành khối nhiệt hóa học và tạo ra LLSVP".

Tuy suy đoán LLSVP có thể là mảnh vỡ của Theia đã tồn tại nhiều năm, nghiên cứu mới là mô hình toàn diện nhất. Kết quả nghiên cứu sẽ được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters. Ngoài mô hình lớp phủ, kết quả phát hiện cũng thống nhất với những nghiên cứu trước đây, cho thấy những dấu vết hóa học gắn liền với LLSVP cũng cổ xưa như vụ va chạm với hành tinh Theia.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất