Marie Curie và gia đình đạt 5 giải Nobel

Vợ chồng Marie Curie và các con đã giành tất cả 5 giải Nobel ở 3 lĩnh vực khác nhau tuy nhiên đam mê khoa học cũng dẫn dắt mẹ con nhà Curie đến cùng một căn bệnh.

Nhà vật lý, hóa học người Pháp gốc Ba Lan Marie Curie là người đầu tiên giành được 2 giải Nobel, và đến tận ngày nay, bà vẫn là một trong 2 người hiếm hoi từng được giải Nobel ở hai lĩnh vực khác nhau.

Năm 1903, vợ chồng Pierre và Marie Curie chia sẻ giải Nobel Vật lý với nhà vật lý người Pháp Henri Becquerel. Ông Becquerel được trao giải vì phát hiện ra hiện tượng phóng xạ tự nhiên, trong khi vợ chồng nhà Curie được ghi nhận vì nghiên cứu của họ về hiện tượng phóng xạ do Becquerel phát hiện.


Vợ chồng Marie và Pierre Curie. (Ảnh: Wikipedia).

Năm 1911, Marie Curie đạt giải Nobel Hóa học với thành tựu khám phá ra 2 nguyên tố radium và polonium.

Tiếp nối truyền thống khoa học của gia đình, con gái của vợ chồng Pierre và Marie Curie là Irene Joliot-Curie được trao giải Nobel Hóa học cùng chồng của bà, Frédéric Joliot-Curie vào năm 1935.

Đến năm 1965, con rể của Marie Curie, chồng của con gái thứ hai của bà Curie, Henry Labouisse - khi đó là giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) - đại diện tổ chức này nhận giải Nobel Hòa bình.

Giải Nobel rắc rối

Năm 1906, ông Pierre Curie qua đời vì một tai nạn trên đường. Vài năm sau đó, Marie Curie tìm thấy tình yêu mới. Paul Lengevin cũng là một nhà khoa học xuất sắc, ông nhỏ hơn bà Curie vài tuổi và là học trò cũ của chồng bà.

Lengevin được miêu tả là một người đàn ông điển trai, cao lớn, một học giả xuất sắc và một nhà nghiên cứu tận tâm với công việc.

Duy chỉ có một vấn đề, Lengevin đã kết hôn và có 4 con. Cuộc tình của họ không qua mắt được vợ ông Lengevin.


Bà Marie Curie cùng hai con gái, Irene và Eve. (Ảnh: Br.de).

Năm 1911, Ủy ban Nobel công bố Curie được trao giải thưởng Nobel thứ hai trong sự nghiệp của bà. Cũng thời gian này, vợ Lengevin công bố những lá thư tình Curie viết gửi ông Lengevin cho báo chí, theo quyển sách Radioactive (Phóng xạ) của tác giả Lauren Redniss viết về cuộc đời Curie.

Đến gần ngày diễn ra lễ trao giải Nobel ở Stockholm, Thụy Điển, nhiều người - bao gồm cả thành viên Ủy ban Nobel - lên tiếng kêu gọi Curie không tham dự lễ trao giải để tránh gây rắc rối. Trong khi đó, Albert Einstein động viên Curie "nên coi thường những thứ rác rưởi đó" và hãy cứ đến Stockholm.

Sau cùng, Marie Curie đã đến Thụy Điển để nhận giải thưởng và buổi lễ trao giải đã diễn ra tốt đẹp, không có bất kỳ gián đoạn nào.

Con đường của Curie

Irene Curie - con gái đầu của Pierre và Marie Curie - đã chọn đúng như con đường mẹ cô đã đi: kết hôn với một nhà khoa học và cùng chồng đạt giải Nobel.

Sau khi kết hôn, cả Irene và chồng, Frederic Joliot, đều lấy họ chung là Joliot-Curie. Vợ chồng Joliot-Curie được trao giải Nobel Hóa học năm 1935 cho công trình về sự phát xạ nhân tạo, tiếp nối phát hiện của Marie Curie về các nguyên tố phóng xạ tự nhiên.

Thú vị hơn, người hướng dẫn luận văn tiến sĩ cho Irene Curie là Paul Lengevin, người yêu một thuở của mẹ bà.

Người duy nhất của gia đình Curie không đi theo con đường khoa học là cô con gái thứ hai Eve Curie. Eve Curie yêu quý và gần gũi mẹ nhưng không như Irene, Eve không chia sẻ niềm đam mê khoa học với Marie Curie.

Thay vào đó, bà tỏ ra thích thú hơn ở các môn học nhân văn. Bà viết văn, viết báo và về sau trở thành một nhà hoạt động xã hội. Cuối cùng, bà vẫn kết hôn với một người đạt giải Nobel.

Năm 1965, UNICEF được trao giải Nobel Hòa bình vì đã "tạo điều kiện để hoàn thành di nguyện của Nobel, khích lệ tình anh em giữa các quốc gia" và tham gia vào tiến trình phát triển của thế giới như một "nhân tố quan trọng cho hòa bình".


Vợ chồng Irene và Frederic Joliot-Curie trong phòng thí nghiệm. (Ảnh: Wikipedia).

Chồng của Eve Denise Curie Labouisse (tên sau khi kết hôn của Eve Curie), Henry Labouisse đã nhận giải trong vai trò giám đốc UNICEF khi đó.

Marie Curie mất năm 1934 vì bệnh bạch cầu, một bệnh thường gặp của các nhà khoa học nghiên cứu về phóng xạ. Cô con gái Irene cũng mất vì bệnh này năm 1956. Tuy nhiên, câu chuyện khoa học của gia đình Curie không dừng ở đó.

Helene và Pierre - hai con của Irene Joliot-Curie và hiện còn sống - đều là những nhà khoa học danh tiếng của Pháp.

Helene Langevin-Joliot (hiện 89 tuổi) cũng nghiên cứu về phóng xạ giống mẹ và bà ngoại mình, bà là nhà vật lý hạt nhân nổi tiếng và từng giữ vị trí cố vấn cho chính phủ Pháp. Trong khi đó, em trai Pierre Joliot-Curie (84 tuổi) của bà là một nhà sinh học, từng làm việc tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia của Pháp.

Đặc biệt hơn, chồng của Helene là Michel Langevin, cháu trai của Paul Langevin.

Chính vì thế, đã có người đùa rằng gia đình Curie cùng có niềm đam mê khoa học và những người đàn ông họ Langevin.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất