Mặt nạ kỵ binh La Mã 1.800 năm tuổi được phát hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ

Mặt nạ mới khai quật ở Thổ Nhĩ Kỳ là bằng chứng khẳng định sự tồn tại của Đế chế La Mã trong khu vực.

Các nhà khảo cổ phát hiện một chiếc mặt nạ sắt của kỵ binh La Mã đeo cách đây khoảng 1.800 năm ở miền bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Họ phát hiện ra hiện vật quý trong quá trình khai quật một cấu trúc kiên cố ở thành phố cổ Hadrianopolis ở Paphlagonia, gần Eskipazar, ngày nay thuộc tỉnh Karabük.


Mặt nạ được phát hiện ở miền bắc Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhà khảo cổ học từ Đại học Karabük, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết phát hiện chứng minh sức ảnh hưởng của Đế chế La Mã trong khu vực vào đầu thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên.

Thành phố cổ Hadrianopolis còn được gọi là Caesarea và Proseilemmene đã có người sinh sống từ thế kỷ 1 trước Công nguyên đến thế kỷ 8 sau Công nguyên.

Họ đã phát hiện ra 14 công trình kiến ​​trúc bao gồm hai nhà tắm, hai nhà thờ, một nhà hát, mộ đá, một biệt thự và quảng trường, tòa nhà kiên cố mà trong đó người ta đã tìm thấy mặt nạ kỵ binh.

Thành phố cổ đại nổi tiếng với những bức tranh khảm được tìm thấy trên các tầng của hai nhà thờ lớn. Tranh ghép của Hadrianopolis mô tả hình ảnh của các con sông lớn Tigris và Euphrates cũng như các loài động vật sinh sống vào thời gian đó.

Ersin Çelikbaş, nhà khảo cổ thuộc Đại học Karabük cho biết: "Lịch sử của các khu vực Tây Biển Đen vẫn chưa được làm sáng tỏ đầy đủ. Chúng tôi tiếp tục làm sáng tỏ lịch sử bằng các nghiên cứu của mình. Trong quá trình khai quật, chúng tôi đã thu được dữ liệu quan trọng cho thấy sự tồn tại của Đế chế La Mã trong khu vực".

Theo nhóm khảo cổ, người La Mã đã từng tổ chức căn cứ quân sự ở Hadrianopolis. Rome, Italia đã lên kế hoạch phòng thủ bằng cách xây dựng các căn cứ chống lại tất cả các loại nguy hiểm từ Khu vực Biển Đen đến lãnh thổ của mình. Hadrianopolis từng là một trong những thành phố quân sự phòng thủ này.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất