"Mặt nạ tử thần" tiết lộ dung nhan thật của Isaac Newton

Mặt của một người sau khi chết sẽ được đặt vào khuôn đúc bằng sáp hoặc thạch cao để tạo ra chiếc "mặt nạ tử thần".

Isaac Newton là một trong những nhà toán học và nhà khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Học thuyết của ông về chuyển động, định luật vạn vật hấp dẫn... đã thống trị các quan điểm vật lý học và khoa học trong hơn hai thế kỉ trước khi bị thay thế bởi thuyết tương đối.


Chân dung Isaac Newton qua một tác phẩm hội họa. (Ảnh: Getty Images).

Đến nay, hình ảnh của Newton chủ yếu được lưu lại dưới các hình thức như tượng bán thân, tranh vẽ, bản khắc... có từ rất lâu. Thế nhưng, nếu chỉ dựa trên những tác phẩm nghệ thuật nêu trên, thì việc mô tả diện mạo thực tế ngoài đời thực của Newton là điều tương đối khó khăn và thiếu chính xác.

Để giải quyết bài toán này, các nhà điêu khắc thời ấy đã sử dụng một thủ thuật được gọi là "mặt nạ tử thần". Đây là phương thức có từ thời La Mã cổ đại, và chủ yếu chỉ áp dụng cho giới quý tộc, hoàng gia.

Thông qua cách này, mặt của một người sau khi đã chết sẽ được đặt vào khuôn đúc bằng sáp hoặc thạch cao để "in" ra từng đường nét một cách tỉ mỉ, chính xác.


Hình ảnh 3D được quét từ chiếc "mặt nạ tử thần" của Newton cho thấy những đường nét chi tiết trên khuôn mặt ông. (Ảnh: Microsoft).

Theo IFL Science, Hiệp hội Hoàng gia Anh hiện đang sở hữu một chiếc mặt nạ của Newton, trước đây từng thuộc quyền sở hữu của Louis-François Roubiliac - một nhà điêu khắc người Pháp.

Roubiliac cũng chính là nghệ nhân đã tạc nên bức tượng bán thân của Newton bằng đá cẩm thạch, hiện được trưng bày tại trường Đại học Trinity, Cambridge (Anh). Dẫu vậy, ông không phải là người tạo ra chiếc mặt nạ độc đáo nêu trên.

Thay vào đó, nhiều tài liệu khẳng định rằng một người bạn thân của Newton, tên là Michael Rysbrack, đã làm điều này sau khi ông qua đời và được chôn tại Tu viện Westminster, London (Anh).

Năm 2012, các chuyên gia máy tính tại Microsoft cũng đã sử dụng thiết bị Xbox Kinect để quét 3D chiếc "mặt nạ tử thần" của Newton, rồi sau đó mới có thể tạo ra mô hình khuôn mặt ông một cách chính xác.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất